Qua bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, nghĩ về gốc đức của một người cao tuổi

Thứ Hai, 26/08/2013, 10:58
Tôi có đọc trên Báo CAND hai bài viết xung quanh chuyện ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh viết về thời cuộc “Suy nghĩ trong những ngày nằm giường bệnh”! Tôi rất tâm đắc với những ý kiến trên Báo CAND khi khẳng định những sai lầm, lệch lạc trong bài viết của ông Đằng. Tôi cũng đọc bài “Suy nghĩ…” của ông Lê Hiếu Đằng tán phát trên mạng Internet, nên đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tôi cứ tự hỏi, vì sao một người như ông Đằng có quá trình cống hiến trong phong trào sinh viên đấu tranh với Mỹ và tay sai; sau giải phóng thống nhất đất nước, ông còn làm giáo viên triết học, được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh năng động và quyết liệt, nói tóm lại là có kiến thức, uy tín, vậy mà tự nhiên như người đổ đốn viết và tán phát những suy nghĩ lệch lạc, xấu bụng của một người già nằm trên giường bệnh để xuyên tạc tình hình đất nước.

Lúc đầu tôi nghĩ, khi một người già  ở cái tuổi “gần đất xa trời” thường hay nảy tật trách cứ con cháu chăm sóc không chu đáo, nên có thể dỗi hờn mà nói chuyện trong nhà thì cũng dễ hiểu. Đằng này, ông ở trên giường bệnh mà nói toàn chuyện quốc gia đại sự. Điều ấy thì cũng không sao với một trí thức từng tham gia kháng chiến cứu nước, từng giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và đoàn thể như ông Đằng, góp ý điều này, điều nọ cốt để xây dựng cho lớp hậu sinh thì đáng quý biết bao. Nhưng có điều tôi giật mình! Giật mình vì những điều ông Đằng nói, viết ra với giọng điệu quá hằn học về hiện tình đất nước.

Giật mình vì ông nói như là kẻ xa lạ với thể chế mà ông góp công xây dựng, nói ở thế đối kháng, đối lập với Đảng, Nhà nước, với nhân dân mình.

Xin dẫn ra đây hai ví dụ trong bài viết lộn xộn, thiếu nhất quán của ông.

Theo ông Lê Hiếu Đằng, sau năm 1975 thời hậu chiến: “Trước sự rên xiết của người dân, những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và suy nghĩ đã chủ trương phải đổi mới kinh tế bằng cách phải chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể”. Sao lại ác khẩu thế hỡi ông Đằng? Người dân nào rên xiết? Ông thừa biết sau hơn 30 năm chiến tranh, để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào hai miền Nam - Bắc đã hy sinh biết bao xương máu. Sau chiến tranh, cả nước còn bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, chống phá ta, thậm chí còn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, hòng biến nước ta kiệt quệ về kinh tế, mất ổn định về chính trị. Nhưng nhân dân ta, với sự lãnh đạo của Đảng đã kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, bình tĩnh tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta chấp nhận khổ cực, lao tâm khổ tứ, tin và theo Đảng làm nên nhiều kỳ tích phát triển kinh tế - xã hội khiến thế giới phải kinh ngạc. Kỳ tích đó, chắc ông Đằng quá hiểu. Nào ai “rên xiết” như lời của ông xúc phạm lương tâm của nhân dân mình. Một người trí thức, 45 tuổi Đảng như ông Đằng, lại quy kết ác ý, vu cáo người dân mình những điều xằng bậy như vậy? Còn đường lối đổi mới của Đảng cũng xuất phát từ thực tiễn sáng tạo của cơ sở, của người dân trăm miền. Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đề ra đường lối đổi mới toàn diện bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Đường lối đổi mới ấy ngày càng tiếp tục được hoàn thiện trong các kỳ Đại hội Đảng tiếp sau, đưa đất nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng, phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và hội nhập bình đẳng với thế giới. Đường lối ấy là trí tuệ của Đảng, trí tuệ của toàn dân tộc. Đâu phải của một vài người như ông Đằng nhận định. Là kẻ hậu sinh, tôi cũng không hiểu nổi một trí thức như ông Đằng, sao lại nói bừa như thế. Những ai nói xằng, xuyên tạc sự thật như ông Lê Hiếu Đằng bao giờ cũng bị lên án là người có dã tâm chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng, kích động người dân với mục đích xấu.

Cũng trong bài viết trên giường bệnh, ông Đằng nhắc tới vấn đề đa nguyên đa đảng. Ông hồ đồ cho rằng: “Đó là quy luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được và như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là vô nghĩa”. Đáng ngạc nhiên và trơ trẽn hơn, đang ở trên giường bệnh mà ông Đằng thách thức các nhà lãnh đạo: “Trả lời công khai minh bạch với chúng tôi (ông Đằng) trên các diễn đàn mà không chơi trò bỏ bóng đá người như đã từng thường sử dụng hiện nay”.

Ô hay, tưởng là có cái gì mới mẻ, hóa ra toàn là những chuyện đã công khai lâu nay trên báo chí, trên mạng Internet.

Thực ra, Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đã được Quốc hội công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân góp ý. Sau 3 tháng công bố, ngày 13/5/2013, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban soạn thảo, sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) 1992 đã công bố báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân. Báo cáo cho biết, với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Ủy ban DTSĐHP 1992 đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân. Xung quanh vấn đề đa nguyên, đa đảng liên quan đến điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban DTSĐHP năm 1992 đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội, được nhiều cơ quan báo chí, mạng Internet đăng công khai trên các diễn đàn. Xin trích dẫn ra đây để ông Đằng biết. “Có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì như vậy mới bảo đảm dân chủ. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với Nhà nước quyết định với những vấn đề nhất định. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước. Nó thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính Nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Vì vậy, không ai khẳng định là nhiều đảng sẽ tốt hơn một đảng.

Về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta. Điều đó được thể hiện và được đảm bảo trong đạo luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp. Trên thế giới, tuy có nhiều nước tuyên bố theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng thực chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản, mặc dù các đảng này có thể có các tên gọi khác nhau. Các đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau (thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực) và điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội.

Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội”.

Thưa ông Lê Hiếu Đằng, quan điểm về đa nguyên, đa đảng đã được Ủy ban DTSĐHP 1992 công khai trên diễn đàn Quốc hội, được minh bạch, rõ ràng như thế, sao ông còn “thách bất cứ ai” trả lời công khai, minh bạch? Có thể ông bị bệnh không có thời gian theo dõi. Hoặc vì một lý do cá nhân nào đó, khiến ông nhắm mắt làm ngơ, vờ như không biết để kích động chăng?

Là người thuộc thế hệ hậu sinh so với quá trình cống hiến của ông Lê Hiếu Đằng, tôi thiển nghĩ, trong thời đại ngày nay, nhất là trong tình hình nhiều người dân các nước có xung đột phe phái lãnh đạo đang sống trong thảm cảnh “nồi da nấu thịt”, ly tán, tha phương, thì hơn lúc nào hết, đất nước ta cần ổn định, cần hòa bình để phát triển. Trong xu thế cạnh tranh quyết liệt, giao lưu quốc tế, thật khó tìm một phương án nào duy nhất đúng. Chỉ có tìm phương án nào lãnh đạo đất nước ưu việt nhất mà thôi. Phương án ấy phải phù hợp với quy luật, với thực tiễn nước ta. Ông Đằng đã mang danh trí thức, hãy góp một điều gì có ích với tâm thế của một người có văn hóa tranh luận. Nói càn, nói ác ý, hằn học và sám hối sẽ không bao giờ là gốc đức của một người già. Và như vậy thật khó nhận được sự tôn trọng của mọi người

N.T.H.
.
.
.