Phụ nữ Việt Nam luôn là người khơi nguồn những giá trị tốt đẹp

Thứ Ba, 15/10/2019, 15:45
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong mọi hoàn cảnh người phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao những phẩm chất cao quý, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.


Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) được tổ chức trọng thể vào sáng 15/10 tại Hà Nội.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng hơn 350 đại biểu dự buổi lễ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ.

Năm 2019, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam được trao cho 6 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Chúc mừng các tập thể, cá nhân được trao giải thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng trong cuộc sống còn có rất nhiều tấm gương phụ nữ cao quý rất xứng đáng được vinh danh. Bày tỏ lòng tri ân với các mẹ, các chị, ông cho rằng, từ ngàn đời nay, người phụ nữ Việt Nam luôn là người đồng hành và khơi nguồn những giá trị tốt đẹp.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao giải cho các tập thể.

Dẫn câu nói của người xưa về vai trò cao quý của người phụ nữ là “phúc đức tại mẫu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong mọi hoàn cảnh người phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao những phẩm chất cao quý, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình hoạt động hiệu quả, thiết thực, đơn cử như phong trào chị em giúp nhau xóa đói giảm nghèo được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao; các nữ công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động,… cũng đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, đất nước đang đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để không lỡ cơ hội, để mọi người dân đều được hưởng những thành tựu của sự phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 việc chúng ta không thể không làm và trong đó người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải cho các cá nhân tiêu biểu.

Trước tiên là, phát triển kinh tế phải gắn liền với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và bảo đảm các vấn đề xã hội. Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến rực rỡ, do vậy chúng ta phải khơi dậy những giá trị tốt đẹp để đẩy lùi những cái xấu, sai trái, tiêu cực…

Đồng thời, chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy sự sáng tạo cho các cháu ngay từ tấm bé. Muốn đất nước phát triển nhanh, bền vững thì tri thức chính là sức mạnh để đua tranh, và vai trò của các mẹ, các chị công tác trong ngành giáo dục là rất lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang của mình, công tác phụ nữ sẽ tiếp tục được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp pháp triển nhanh và bền vững của đất nước.

Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam (thành lập từ năm 2002) là một trong những giải thưởng thường  niên lớn nhất dành riêng cho phụ nữ Việt Nam. Giải thưởng là sự đánh dấu, ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ năm 2003, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã được trao cho 80 tập thể và 144 cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. 

6 tập thể và 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019:

CÁC TẬP THỂ

1. Tập thể nữ viên chức và người lao động Bệnh viện phụ sản Hà Nội

Với tỷ lệ 77% y bác sĩ và người lao động, các chị đóng góp đáng kể vào thành tích đưa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thành bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội xếp hạng I và được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên khoa đầu ngành về sản khoa và là 1 trong 10 bệnh viện trong cả nước áp dụng các kỹ thuật hiện đại ngang tầm thế giới về hỗ trợ sinh sản.

2. Tập thể nữ viên chức & người lao động Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ

Các chị đã chủ trì nhiều công trình nghiên cứu và triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả trong chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, góp phần đưa Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đạt chỉ số 4,38/5 về quản lý chất lượng và trở thành bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long, thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên môn mới, chuyên sâu cho toàn bộ khu vực.

3. Tập thể nữ công chức, viên chức và người lao động Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM

Chiếm hơn 60% lực lượng giảng viên, người lao động, các chị đã đóng góp đáng kể vào việc khai mở các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, đáp ứng nhu cầu xã hội; duy trì quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và Viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, các chị đã tham gia đào tạo gần 20.000 sinh viên, trong đó có hàng trăm sinh viên và học viên quốc tế từ 73 nước trên thế giới, chủ trì 15 đề tài từ cấp ĐHQG trở lên, 24 đề tài cấp cơ sở.

4. Tập thể nữ công chức, viên chức và người lao động Trường mầm non Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

Là một tập thể nhỏ, 100% nữ, các chị đã nỗ lực trong chuyên môn để có 26 sáng kiến cấp tỉnh, 4 sáng kiến cấp quốc gia, góp phần bảo đảm vượt chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp trong 5 năm gần đây, 100% trẻ đạt chuẩn giáo dục mầm non. Các chị còn tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho ngành và địa phương.

5. Tập thể cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Hưởng ứng các phong trào thi đua “Phụ nữ Yên Định chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các chị đã có nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo, hiệu quả như “Trao con giống niềm tin”, “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu 5 không, 3 sạch xây dựng Nông thôn mới”, “Đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”; “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các chị đã đóng góp đáng kể vào thành tích xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Định - huyện đầu tiên được công nhận là huyện Nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa.

6. Tập thể nữ Hợp tác xã Chè Tân Hương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Với hơn 80% xã viên và toàn thể ban giám đốc là nữ, các chị đã đưa hợp tác xã phát triển vượt bậc, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 là 6 tỷ đồng, vượt xa mức doanh thu năm 2000 là 15 triệu đồng năm 2000. Đặc biệt, năm 2011, hợp tác xã trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước có sản phẩm trà xanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ.

CÁC CÁ NHÂN

1. Chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng, TP Đà Nẵng

Chị đã nghiên cứu và sản xuất thành công dòng sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, nước lau nhà… từ xử lý rác hữu cơ và một số thảo dược khác. Các sản phẩm của chị vừa an toàn cho người tiêu dùng, lại góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường và đã được Cục Sở Trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, công ty của chị giúp 135 hộ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật, thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/tháng, xử lý 109 tấn rác hữu cơ.

2. Chị Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, luôn năng động sáng tạo trong công việc tổ chức điều hành doanh nghiệp, chị đã hoạch định chiến lược cho công ty xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tính đến nay, công ty của chị đã có trên 50 loại sản phẩm với hàng 100 mẫu mã về trà thảo dược, nước cốt trái cây, rượu vang và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Hiện công ty đang hướng đến sản phẩm mới: Xây dựng khu du lịch Dalat Fairy Tale land - Làng cổ tích.

3. Thượng tá, TS Ngô Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng

8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện và cấp Bộ Quốc phòng mà chị thực hiện đã được áp dụng trong một số đơn vị của Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, góp phần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các trang bị, khí tài quân sự. Nghiên cứu tiêu biểu đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế: “Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao” không chỉ giúp bước đầu đáp ứng cầu về sửa chữa, thay thế các bộ nguồn loại này hiện hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng mà còn mở ra khả năng chủ động tự sản xuất bộ nguồn điện dự trữ đặc chủng tại Việt Nam.

4. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị chuyển hóa cơ xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

Là bác sĩ đầu tiên nghiên cứu về thiếu vitamin D và ảnh hưởng của vitamin D tới loãng xương và lao phổi ở Việt Nam, chị đã phát hiện ra 3 gene liên quan tới loãng xương ở người Việt và có những đóng góp trong các lĩnh vực viêm khớp, đái tháo đường và béo phì ở Việt Nam. Chị đã công bố 29 công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, 10 công trình trên tập san trong nước và 17 đề tài nghiên cứu khoa học đã báo cáo tại các hội nghị quốc tế.

5. GS.TS NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội

Chị là người triển khai lần đầu ở Việt Nam mô hình đào tạo giáo viên phổ thông theo mô hình nối tiếp, góp phần giải quyết tình trạng thiếu - thừa giáo viên do thiếu quy hoạch đào tạo và sử dụng giáo viên. Là chủ biên và đồng chu biên 33 sách chuyên khảo, giáo trình, chủ nhiệm 13 đề tài cấp ĐHQG Hà Nội và đang chủ trì đề tài cấp Nhà nước và tham gia là thành viên chính của 1 đề tài cấp Nhà nước về đổi mới giáo dục.

6. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam

Là nghệ biểu diễn với nghệ danh Thanh Ngoan, chị đã giành được nhiều huy chương vàng, bạc cá nhân trong nhiều hội diễn sân khấu toàn quốc và đã giới thiệu nghệ thuật chèo đông đảo Việt kiều và bạn bè quốc tế. Ở vai trò quản lý, chị không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo bằng việc dàn dựng các vở diễn mới, khôi phục, nâng cao các vở diễn cũ, khai thác các chương trình ca hát dân gian, mà còn đưa nghệ thuật chèo đến với đông đảo quần chúng, nhất là lớp trẻ thông qua việc thành lập đoàn nghệ thuật xung kích biểu diễn phục vụ tại nhiều tỉnh thành và các sự kiện chính trị quan trọng; tổ chức biểu diễn tại các khu chung cư, các trường đại học và trường phổ thông.

7. Chị Trần Thị Tân, nông dân xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Là người ham học hỏi, chị đã tìm tòi và sở hữu 3 sáng kiến ứng dụng trong sản xuất muối, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng muối, góp phần tạo doanh thu bình quân hàng năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng Chị còn đỡ đầu, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ để chăn nuôi thoát nghèo và chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất muối cho người dân địa phương.

8. Chị Đỗ Thị Toan, công nhân Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch

Là công nhân bậc 4/4, trong quá trình làm việc, chị là tác giả của 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao hiệu suất lao động, giảm chi phí và làm lợi cho công ty gần 300 triệu/năm.

9. Chị Lành Thị Triều, nông dân xã Bảo Quang, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Từ năm 2005, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha trồng cây lâu năm sang chăn nuôi heo với 50 con heo nái. Đến nay, chị đã mở rộng diện tích lên 10 ha, nâng cấp quy mô chuồng trại với 300 con heo nái và 3.000 heo thịt, sản xuất khép kín từ heo nái đến heo thịt xuất chuồng theo quy trình ViệtGAP, tạo việc làm cho 24 lao động với thu nhập trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

10. Trung tá, TS Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội

Chị đã trực tiếp trinh sát, chỉ huy trinh sát, phát hiện tham mưu đấu tranh, xử lý 1.200 vụ việc, chuyên án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt, đề nghị truy thu thuế thu nộp về ngân sách nhà nước trên 120 tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả và khôi phục môi trường đối với nhiều cá nhân và tổ chức vi phạm. Đề tài nghiên cứu của chị về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường đã được sử dụng trong nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Cảnh sát nhân dân và hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường.

* Tại Lễ trao giải, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 3 nữ sinh đạt giải thưởng trong kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2019, gồm:

- Em Nguyễn Khánh Linh đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á năm 2019; Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2019 khi đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện chuẩn bị du học đại học;

- Em Hà Vũ Huyền Linh đạt Huy chương Đồng Olympic Sinh học quốc tế năm 2019 khi đang là học sinh lớp 11 và hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Em Hoàng Thị Huyền Trang đạt Huy chương Đồng Olympic Sinh học quốc tế năm 2019 khi là học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
Theo baochinhphu.vn
.
.
.