Phòng, chống tác hại rượu bia là bộ luật đi vào cuộc sống nhanh nhất

Thứ Bảy, 14/11/2020, 09:11
Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong tại tọa đàm tọa đàm trực tuyến “Đã uống rượu bia, không lái xe” vừa diễn ra tại Hà Nội.


Ngân sách một năm ngành rượu, bia đóng góp rất lớn nhưng tiền chi để điều trị bệnh từ rượu, bia lại lớn gấp đôi. Điều đó tác động tiêu cực tới kinh tế, đời sống, xã hội”, ông Phong nói. 

Về kết quả xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong 11 tháng năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý nồng độ cồn gần 156.500 trường hợp vi phạm. So với cùng kỳ năm 2019, xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT tăng 5.004 trường hợp, tăng 3,2%. 

Tuy nhiên, theo ông Bình công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện còn gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất là chủ phương tiện khi sử dụng rượu bia, có chất kích thích dẫn đến thái độ chấp hành chưa tốt. Hai là quá trình kiểm tra không phải bằng cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ mà phải bằng máy móc, in phiếu kết quả cụ thể và xác nhận của người vi phạm. 

“Theo tính toán, trung bình xử lý nồng độ cồn một trường hợp mất 2 giờ. Với gần 156.500 trường hợp, lực lượng chức năng đã mất 300.000 giờ. Cùng đó, xử lý một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn phải có khoảng 5 cán bộ thực hiện. Thời gian qua, lực lượng CSGT đã phải bố trí gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý vấn đề này trong một năm”, ông Bình thông tin.

Bàn về giải pháp phát huy hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc quan trọng số một là hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn. 

Sau khi có luật, phải tuyên truyền người dân hiểu đúng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia không phải luật chống rượu bia. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được tiến hành song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Ở góc độ pháp lý, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đỗ Thanh Bình đề xuất, tới đây, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, có hướng dẫn về việc sử dụng nồng độ cồn đến ngưỡng nào có khả năng xảy ra tai nạn là phải xử lý hình sự. 

“Ngoài ra, nếu việc công khai danh tính của người vi phạm được chấp thuận thì tính răn đe trong thực hiện pháp luật ATGT sẽ rất cao. Tuy nhiên hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép làm điều này”, Đại tá Bình nêu.

Nhật Uyên
.
.
.