Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam”

Thứ Hai, 15/05/2017, 13:45
“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam” – Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hôi nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Sáng ngày 15-5, Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) lần thứ 24 đã được khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã tham dự và phát biểu khai mạc.

Khu vực phát triển mạnh mẽ

Theo Phó Thủ tướng, PECC đã khẳng định được vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

“Khu vực của chúng ta là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi PECC được thành lập năm 1980, khu vực của chúng ta chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á – Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực chúng ta tươi sáng hơn bao giờ hết. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị. Ảnh: Infonet 

Những thách thức còn tồn tại

Tuy nhiên, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Một là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số,  vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu.

Hai là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Chỉ trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội của chúng ta cũng như cách thức chúng ta liên hệ và tương tác với nhau.  

Ba là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới, như các hệ lụy của các công nghệ mới xuất hiện, khả năng mạng dễ tổn thương và quản lý tài nguyên

Phó Thủ tướng nhận định, đây là thời điểm rất thích hợp để các nước trong khu vực cùng nhau thảo luận một cách sâu sắc về tầm nhìn quan hệ châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam

Nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam.

Các khuyến nghị và ý kiến của các quý vị ngày hôm nay sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.  Điều này rất có ý nghĩa đối với “Đối thoại nhiều bên về APEC đến 2020 và tương lai” do Việt Nam và PECC đồng tổ chức vào ngày mai.

Việt Nam trân trọng sự ủng hộ tích cực và hợp tác hiệu quả của PECC và tất cả các quý vị có mặt ngày hôm nay. Các bạn đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều năm qua. 

Duy Tiến
.
.
.