Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Thứ Năm, 07/05/2020, 09:09
Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc sáng 6/5, tại Hà Nội.

Tại phiên họp này, Ủy ban thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (sửa đổi); tham gia thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); đề nghị gia nhập Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2019…

Thể hiện hình ảnh lao động Việt Nam trên thế giới

Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ mục đích của việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Cụ thể, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013. 

Theo đó, đây là chủ trương nhất quán, quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tán thành với việc sửa đổi Luật, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự án Luật phải thể hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các đại biểu phân tích, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hiện nay cần đưa người có trình độ chuyên môn đến làm việc ở các nước. Các nước tiếp nhận lao động phải an toàn, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực không chỉ tăng thu nhập cho người lao động, mà đây chính là nguồn nhân lực cho tương lai để phát triển đất nước. 

Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá mà cần tính toán rất kỹ. Vì vậy, các điều kiện, tiêu chuẩn phải rất chặt chẽ và thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng. "Chúng ta đưa lao động đi để lấy hình ảnh người lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn, sức khỏe, trí tuệ, hiểu biết văn hóa, thể hiện hình ảnh lao động Việt Nam trên thế giới", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Các đại biểu thống nhất quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không phải "trốn chui, chốn lủi" làm mất hình ảnh của người lao động Việt Nam. Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn "dân số vàng", cần lao động phát triển kinh tế-xã hội, do đó phải ưu tiên bố trí lao động trong nước. Việc xuất khẩu lao động thuộc những ngành nghề, lĩnh vực nổi trội, thu nhập cao, đưa được khoa học kỹ thuật tiên tiến về nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ: Không chấp nhận cho người lao động đi bằng mọi giá mà chọn địa bàn, lĩnh vực. Xu hướng hiện nay là chuyển mạnh theo hướng đào tạo qua các trường nghề và kết nối trường nghề với doanh nghiệp.

"Học viên có thể nhận việc ngay với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, sau đó ra nước ngoài tại các doanh nghiệp này và khi trở về có nơi nhận", Bộ trưởng cho biết.

Đánh giá kỹ tác động

Cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá tác động để thấy rõ hơn một số yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng, cả thuận lợi, tiêu cực, thế mạnh của Việt Nam, nhất là trong những ngành lao động phổ thông, dệt may, da giày… Chính phủ cần đánh giá thêm tác động về lao động việc làm, an sinh xã hội; tác động về mặt pháp luật, thể chế liên quan đến lao động, công đoàn…

Về Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, các đại biểu khẳng định, việc gia nhập Công ước góp phần thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO.

Đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuẩn bị tiến tới phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng, các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hoà, qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội, tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Phan Phương
.
.
.