Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt công nhân, lao động kỹ thuật cao:

Phát triển đất nước rất cần đội ngũ lao động có kỹ thuật và trình độ

Chủ Nhật, 05/05/2019, 16:29
Ngày 5-5, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với gần 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao đang làm việc tại 7 tỉnh, thành và đại diện nhiều tổ chức công đoàn ngành trên cả nước.


Dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương, địa phương và Tổng LĐLĐ Việt Nam. 

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 5 là Tháng Công nhân, đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn. Cuộc gặp gỡ công nhân lao động bậc cao, có trình độ cao này rất quan trọng. Đây là dịp để Chính phủ, các cơ quan, địa phương lắng nghe ý kiến của công nhân lao động bậc cao. Do đó, ông mong muốn những công nhân được mời tham dự mạnh dạn phát biểu ý kiến trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn để Thủ tướng và các đại biểu tham dự được nghe tiếng nói trực tiếp từ những người có tay nghề cao. Qua đó, Chính phủ tiếp tục có những chính sách nhằm hỗ trợ đội ngũ công nhân kỹ thuật cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện công nhân kỹ thuật cao trong buổi gặp mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, vấn đề rất lớn mà đất nước, xã hội quan tâm đó là phát triển đất nước rất cần đội ngũ lao động có kỹ thuật, có trình độ. Do đó, ngoài 43 nội dung mà đại diện tổ chức Công đoàn đã chuyển đến Thủ tướng, thì điều kiện sống, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ… còn tâm tư, bức xúc hoặc có hiến kế, đề xuất gì anh chị em cần mạnh dạn bày tỏ.

Riêng đối với lực lượng công nhân bậc cao, Thủ tướng cho rằng cần có chính sách tốt hơn để đội ngũ này ngày càng lớn mạnh; đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và cả nước.

Tại buổi gặp mặt, công nhân kỹ thuật cao Đinh Đăng Đoàn, người làm việc tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú cho biết, DN của anh nhập hệ thống thiết bị kỹ thuật cao. Khi đưa vào vận hành có những trục trặc nhỏ, nếu sửa chữa trong nước chi phí chỉ từ 150 -300 USD, nhưng nếu nhập thiết bị về thay thế phải tốn hàng chục ngàn USD. Đã vậy mỗi lần nhập thiết bị, thủ tục nhập hàng hóa qua hải quan khó khăn và rất mất thời gian trong khi nếu nhập cả dây chuyền máy móc thì lại nhanh. Từ thực tế này, anh Đoàn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc nhập các thiết bị.

Về chế độ đãi ngộ với lao động kỹ thuật cao, anh Đoàn cũng thông tin, hiện  tiền lương thuê chuyên gia nước ngoài sang làm việc rất cao. Trong lúc khả năng của công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nước cũng đáp ứng được, nhưng tiền lương trả cho người lao động còn thấp, chưa tương xứng. Vì vậy anh Đoàn đề nghị cần có chính sách cải cách chế độ, khen thưởng cho lao động bậc cao. 

Cùng lúc, các trường cần đào tạo nghề cần sát với thực tế nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng quan điểm này, công nhân Nguyễn Xuân Quang, làm việc tại Xí nghiệp Vật lý giếng khoan-VSP nêu thực trạng: Sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Lý do, việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Từ đó, Chính phủ cần quan tâm đổi mới nội dung, phương thức đào tạo lao động kỹ thuật cao và đào tạo nghề để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó cần có những chính sách để doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động được học tập bài bản, đóng góp hiệu quả, thực tế cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để những người có chuyên môn giỏi sau 30 tuổi có thể phát triển thành những nhà khoa học, công trình sư để phục vụ cho doanh nghiệp, đất nước.

Lãnh đạo Liên Đoàn lao động Việt Nam trao các kiến nghị của công nhân kỹ thuật cao đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Công nhân Trần Thị Lan Anh - Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông nêu thực trạng, ở các DN đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất chiếm số lượng lớn và là lực lượg chính tạo ra giá trị gia tăng. Từ đó, chủ DN cần tạo môi trường làm việc sáng tạo để ai cũng có thể được tự tin sáng tạo, dù chỉ là các kiến nghị nhỏ nhất. Cùng lúc, Nhà nước cần xem xét để các tỉnh xây dựng trung tâm hỗ trợ người lao động nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy quá trình sáng tạo của công nhân kỹ thuật cao; giúp họ hoàn thành ý tưởng để đưa ra thực tế.

Công nhân Phan Quang Liền, người đã có 30 năm làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 cho rằng, Chính phủ cần đặt hàng các DN, đặt hàng lực lượng công nhân lao động có tay nghề để họ nghiên cứu, sản xuất các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu của DN và nhu cầu xã hội.

Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ lực lượng lao động kỹ thuật cao để họ tiếp cận kiến thức mới, nâng cao trình độ cũng như hỗ trợ lao động kỹ thuật cao xuất bản được sách chuyên ngành làm tài liệu để đồng nghiệp, các DN tham khảo khi có vướng mắc.

Công nhân Phan Anh Hây, người đang làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam phát biểu, DN cần chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ để công nhân lao động vừa có thể học hỏi, vừa phát huy năng lực, sáng kiến, sáng tạo của mình trong công việc. Hơn thế, Chính phủ cần có tiêu chí để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc kỹ thuật, dây chuyền công nghệ cao, tuyển dụng CNLĐ kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo công nhân lao động tiếp cận được dây chuyền máy móc đó.

Trước các kiến nghị của công nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đồng tình rằng việc đào tạo phải gắn với thực tiễn, đồng bộ giữa đào tạo và thực hành. Ông Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, hiện có nhiều trường chỉ dạy cái gì đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của DN. 

Cho rằng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề cho công nhân, lao động là rất cần thiết, cần học tập suốt đời vì các kiến thức, kỹ năng luôn thay đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các doanh nghiệp chủ động tạo điều kiện cho công nhân, lao động về chi phí, thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề của mình. 

Từ thực tế đào đạo thời gian qua, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt nhận xét: Liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp còn lỏng lẻo, DN cần thì tìm đến nhà trường, nhà trường có kết quả nghiên cứu thì đi tìm doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều năm qua việc đào tạo sinh viên ra trường chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của DN. Để thay đổi, các trường đại học hiện đang nỗ lực đổi mới chương trình, phương thức đào tạo gắn với thực tiễn, tăng cường thời gian thực tập. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH Đào Ngọc Dung, tình trạng nặng lý thuyết, nhẹ thực hành là vấn đề lớn mà Bộ LĐ-TB và XH cùng các bộ, ngành liên quan đã tập trung để thay đổi. Làm sao để việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn; khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó, xa rời nhu cầu thực tế. Để khuyến khích người lao động đi học, tới đây Bộ Luật Lao động sẽ quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia.

Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đánh giá: Tự động hóa, số hóa phải bắt đầu từ DN và do DN, bởi đổi mới khoa học công nghệ chính là yếu tố để DN cạnh tranh. Hiện nay, nhiều DN rất chủ động trong việc phát triển khoa học công nghệ như thành lập các trung tâm hoặc liên kết với các trường để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, ông Chu Ngọc Anh đề nghị lực lượng lao động kỹ thuật cao cần chủ động trong việc nghiên cứu, ứng học khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tại buổi gặp gỡ, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã khẳng định: Công nhân lao động có trình độ khoa học kỹ thuật là một trong những động lực phát triển kinh tế đất nước. Các ý kiến, đề nghị của công nhân lao động là rất xác đáng; những kiến nghị này sẽ được Quốc hội xem xét, đưa vào các quy định pháp luật liên quan.

Đại diện các đơn vị sử dụng lao động, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề cập đến thực trạng khó khăn trong đào tạo phi công thời điểm lực lượng phi công đang bị các hãng cạnh tranh gay gắt. Theo ông Thành, thời gian đào tạo một phi công từ 4-7 năm với chi phí là 200 ngàn USD/người. Dù 75% phi công của hãng là lao động trong nước, tiền lương và phúc lợi cho phi công nội không ngừng tăng lên, song gần đây có những tổ bay có đến 30% phi công chuyển sang các hãng khác. 

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE nhìn nhận, DN đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển người nhưng những người được tuyển dụng chưa thể bắt tay vào làm việc ngay; thậm chí là rất ngỡ ngàng trước thực tế công việc được yêu cầu. Những người giỏi cũng cần 1 năm, người kém hơn cần đến 2 năm để đào tạo lại thì mới có thể làm việc tại DN. 

Nêu ra thực tế về chí phí đạo tạo tại DN so với hiệu quả thu về, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng DN cần tạo ra nhiều giá trị để tăng năng suất lao động chứ không phải là chuyện gia tăng cường độ lao động… gợi mở nhiều vấn đề với các bộ, ngành liên quan sau các góp ý của công nhân, Thủ tướng khẳng định đây là ý kiến của những người cọ sát từ thực tế, rất quan trọng để những người làm chính sách phải lắng nghe, vận dụng vào công tác lãnh đạo, điều hành đất nước.

Đức Thắng
.
.
.