Phát triển Khung trình độ quốc gia Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ Sáu, 24/02/2017, 16:09
Khung trình độ Quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đầu ra nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.

Ngày 24-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) và Hội đồng Anh tổ chức buổi Tọa đàm: "Chính sách Xây dựng và Thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam" nhằm phổ biến về khung trình độ quốc gia và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo chất lượng quản lý và cấp phát bằng, chứng chỉ.

Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, xây dựng trên cơ sở tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN và được Chính phủ ban hành hồi tháng 11 năm 2016 quy định 8 bậc học, theo đó, mỗi bậc là đi kèm các quy định về đầu ra bao gồm khối lượng kiến thức cần tích lũy trong quá trình học tập; kỹ năng thực hành nghề nghiệp; và các văn bản, văn bằng tương ứng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định việc ban hành Khung trình độ Quốc gia là tiền đề quan trọng nhằm tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới và trước mắt là với các nước ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ của khối, tăng cường khả năng hội nhập của đất nước trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo Thứ trưởng, việc xây dựng và phát triển Khung trình độ Quốc gia có ý nghĩa quyết định trong công tác đổi mới toàn diện ngành giáo dục do nó là cơ sở quan trọng nhất để cụ thể hóa các tiêu chuẩn đào tạo cũng như thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, do những đặc thù về ngành nghề, hiện Việt Nam chỉ đang áp dụng tiêu chuẩn về nghề nghiệp đối với một số chuyên môn cụ thể như Bác sĩ, Kế toán. Vì vậy, để khung trình độ quốc gia sớm đi vào thực tế, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia quốc tế cũng như các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là điều kiện kiên quyết.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 đại diện từ các bộ, ngành của Việt Nam và chuyên gia từ Vương quốc Anh.

Khẳng định quyết tâm ủng hộ Việt Nam trong phát triển và thực hiện Khung trình độ Quốc gia, Giám đốc Hội đồng Anh, bà Cherry Gough cho biết các chuyên gia của Hội đồng đang nghiên cứu tính khả thi để sớm góp ý, phối hợp với các bộ, ngành thi điểm áp dụng chuẩn đầu ra cho 4 ngành nghề gồm kế toán, xây dựng, dệt may và công nghệ thông tin.

Tại buổi tọa đàm, chuyên gia về khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh Stirling Wood đã chia sẻ về các tiêu chuẩn giáo dục được áp dụng tại các khu vực và cách thức nước này đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng khung trình độ.

Chuyên gia về khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh Stirling Wood.

Theo chuyên gia Stirling Wood, điều quan trọng nhất trong đảm bảo thực thi một khung trình độ quốc gia là đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Cụ thể, chuẩn đầu ra cần mô tả được các năng lực mà người học có được trong quá trình học cũng như khả năng vận dụng kiến thức trong tương lai, ngoài ra, cần một bộ tiêu chí nhất quán nhằm đánh giá chính xác việc người học đã đạt được các tiêu chuẩn đó hay chưa, tránh tuyệt đối mơ hồ trong thực hiện.

Chia sẻ với candonline liên quan đến việc thực hiện khung trình độ quốc gia tại cơ sở đào tạo, Bà Nguyễn Thu Hằng, đại diện trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết, mặc dù các trường hiện đang rât cần những khung tiêu chuẩn cụ thể để đổi mới chương trình đạo tạo, nâng cao chất lượng cạnh tranh của sinh viên sau khi ra trường, tuy nhiên, do đặc thù về các ngành nghề rất khác nhau, bà Hằng mong muốn các bộ, ngành liên quan sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đạo tạo tham gia góp ý vào quá trình xây dựng, thực thi những văn bản cụ thể của Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.

Phùng Nguyễn - Duy Tiến
.
.
.