Phát triển Chính phủ số, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí

Thứ Tư, 19/08/2020, 13:28
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), sáng 19-8.

Dự Lễ khai trương có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và một số địa phương; Đại sứ các nước Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; các tổ chức quốc tế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi lễ.

Buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đặt tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và một số điềm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Kênh đo lường, kiểm soát hiệu quả hoạt động các bộ, ngành

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào vận hành được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số. Từ ngày 19-8, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức đi vào hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ.

Các thông tin, số liệu (như: số liệu báo cáo chỉ đạo, điều hành; số liệu tổng hợp, phân tích, dự báo; số liệu theo thời gian thực…) được cập nhật, thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; được phân tích và hiển thị trực quan trên các màn hình tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành dưới các dạng biểu đồ, đồ thị,… từ đó hỗ trợ đắc lực cho quá trình ban hành quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thông qua các trang thiết bị và việc kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và Trung tâm điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành là nơi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, làm việc trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tới thực địa khi có yêu cầu. Đặc biệt là, thông qua những “con số biết nói” hiển thị tại Trung tâm, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo; giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát, đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong Hệ thống hành chính nhà nước.

Tiết kiệm 460 tỷ đồng mỗi năm

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia hình thành trên cơ sở Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; trong đó, Hệ thống của các bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung cho 63 địa phương, các địa phương chỉ triển khai xây dựng Hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù, góp phần hạn chế việc đầu tư dàn trải, sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư công; đồng thời, giúp hình thành “kho” thông tin, dữ liệu thống nhất và duy nhất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong từng ngành, lĩnh vực.

Đến nay, đã có Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội (theo Quyết định số 293 ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ) được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống (trong đó, 66 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2010 hoặc từ khi được số hóa, 35 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2017 đến nay).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ.

Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin (Tin hàng ngày, Vấn đề tiêu điểm, Chỉ số quốc tế, Thông tin kinh tế - xã hội chủ yếu, Thông tin kinh tế - xã hội vùng, địa phương…); 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành (Thu ngân sách nhà nước, Giải ngân vốn đầu tư công, Xuất nhập khẩu, Tiêu thụ điện năng, An toàn giao thông, Tìm kiếm, cứu nạn…) nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (chưa tính các chế độ báo cáo triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và chỉ phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương): khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Cồng DVCQG giúp tiết kiệm 6.722 tỷ đồng/năm

Từ 8 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (9-12-2019), đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000. Sau 9 tháng hoạt động, Cổng DVCQG đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4.000 hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.

Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng DVCQG; sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương.

Ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm. Theo đó, dịch vụ công thứ 1.000 - kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan Công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Theo số liệu tổng hợp của CSGT, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.

Hướng tới một "Việt Nam số"

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự kiện khai trương có ý nghĩa lớn khi được tổ chức đúng vào dịp Văn phòng Chính phủ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Đại hội thi đua yêu nước; cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Qua ý kiến của các đại biểu, của các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số"", Thủ tướng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi lễ.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. “Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải hướng tới, xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên Chính phủ trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới; đặc biệt đối với các nước Cộng đồng ASEAN. Phát triển Chính phủ điện tử có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế, được xem là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh số hóa liên thông, minh bạch thông tin, dữ liệu

Về Cổng DVCQG, hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Thủ tướng đề nghị các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là các Tập đoàn VNPT, Viettel cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên, đồng hành, góp phần giúp các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ của các hệ thống.

Anh Nguyễn Việt Hưng - người đầu tiên hưởng thụ dịch vụ công thứ 1.000 được Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội trao biển số.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. Thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu...

Điện tử hóa toàn bộ quá trình đăng ký, phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số

Tại Lễ khai trương, điểm cầu Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã thực hiện cấp biển số xe ô tô cho khách hàng Nguyễn Việt Hưng. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an bày tỏ vui mừng khi lực lượng CSGT được thực hiện dịch vụ công thứ 1.000 - đăng ký biển số xe cho người dân đúng vào Ngày truyền thống lực lượng CAND 19-8.

Chia sẻ về lợi ích lớn mang lại từ dịch vụ công này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, lần đầu tiên chúng ta có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, hiện nay dữ liệu về kỹ thuật phương tiện, thuế, đăng ký đã tổng hợp trên Cổng DVCQG. Người dân chỉ cần kê khai một lần thì sẽ dùng chung được cả ba công việc.

"Trước đây phải có 6 loại giấy tờ thì nay có dữ liệu điện tử chỉ cần 2 loại giấy tờ; trước kia mất nửa ngày để làm các thủ tục đăng ký xe, giờ rút ngắn được 3 tiếng. Chúng tôi cho rằng, với số lượng của CSGT, năm 2019 có 670.000 ô tô và 4,3 triệu mô tô đăng ký thì khi có dữ liệu dùng chung đồng bộ sẽ tiết kiệm cho người dân và Nhà nước, chưa kể các chi phí đi lại. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT tiến tới sẽ điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số", Phó Cục trưởng Cục CSGT thông tin.


Quỳnh Vinh
.
.
.