Phạt tới 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Thứ Năm, 08/10/2020, 17:08
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 119). Nghị định này được thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12. 


 Một trong những điểm đáng chú ý là Nghị định 119 tăng mức phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản lên tới 200 triệu đồng.

Theo Nghị định 119, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

 Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, là tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-12 tháng... 

Hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu của nhà báo sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Các hành vi bị phạt 10 - 20 triệu đồng gồm mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí. Phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi. 

Tổ chức có hành vi đăng, phát, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tài liệu hoặc nội dung thông tin trong tác phẩm, tài liệu đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy sẽ vị phạt từ 100 - 150 triệu đồng. Đặc biệt, tổ chức sẽ phải chịu mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi như đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; Đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Đăng, phát thông tin có nội dung gây ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc...

Trong lĩnh vực xuất bản, Nghị định quy định mức xử phạt từ 40 - 80 triệu đồng đối với hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dung dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với từng tên xuất bản phẩm; Xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân đối với từng tên xuất bản phẩm; Tiết lộ bí mật Nhà nước đối với từng tên xuất bản phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Đối với hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dung sai sự thật rất nghiêm trọng đối với từng tên xuất bản phẩm sẽ phạt từ 80 - 140 triệu đồng. Phạt từ 140 - 200 triệu đồng đối với hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dung thuộc một trong các trường hợp như xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; Xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; Phương hại đến lợi ích quốc gia; gây mất đoàn kết dân tộc đối với từng tên xuất bản phẩm; Không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia đối với từng tên xuất bản phẩm bản đồ...

Ngoài các quy định cụ thể về hoạt động báo chí, quy định về đăng phát nội dung thông tin trên báo chí, Nghị định 119 cũng quy định mức phạt cao cho hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 

Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự . Nghị định 119 quy định, ngoài phạt tiền, người có hành vi cản trở hoạt động báo chí còn buộc phải xin lỗi; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép...

Hùng Quân
.
.
.