Phát huy ưu thế của văn học nghệ thuật trong xây dựng nền tảng tinh thần xã hội

Chủ Nhật, 04/10/2015, 15:02
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” tại TP HCM.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh trọng trách của văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch nước khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trung tương 5 (Khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong xây dựng con người và môi trường văn hóa. Đáng lo ngại nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội… tình trạng tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội có chiều hướng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển không bền vững, đặc biệt là nền kinh tế của Việt Nam ngày càng tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Những khuyết điểm, yếu kém và bất cập nêu trên có trách nhiệm của văn hóa,văn nghệ, cần tự phê bình và phê bình sâu sắc. Tinh thần này đã được đề cập trong một số tham luận tại hội thảo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo ra động lực mới, phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện sứ mệnh đó, chúng ta càng cần phải chăm lo phát triển văn hóa vì văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh, văn hóa còn là hệ điều tiết của sự phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dự hội thảo “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.

Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa dựa vào chuẩn mực của cái đúng, cái tốt, cái đẹp để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh ngày càng cao. Văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, chủ động liên kết, hợp tác để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, làm giàu cho mình, cho cả đất nước, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, đẩy lùi các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

Trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế, văn hóa góp phần tăng cường sự hiểu biết, mở rộng giao lưu hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Trong đó chúng ta hết sức cảnh giác với cuộc “xâm lăng văn hóa”, những biểu hiện vọng ngoại, lai căng lấn át bản sắc văn hóa dân tộc.

Với giới văn hóa, văn nghệ của nước nhà, Chủ tịch nước muốn nhắc lại một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng trong Nghị quyết 33: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo”.

Văn nghệ sĩ từ mọi miền đất nước tranh thủ giao lưu sau hội thảo.

Chủ tịch nước cũng nhắc nhở: “Văn học, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp. Chúng ta cần phát huy ưu thế đặc thù của văn học nghệ thuật trong nhiệm vụ cao cả là xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn nghệ sĩ không chỉ chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân…. Đội ngũ các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ có sứ mệnh cao quý là chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho biết, tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận gần 100 tham luận, trong đó có sự đóng góp của hầu hết các nhà khoa học đầu ngành, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở các Hội chuyên ngành Trung ương, các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ, các cán bộ chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ…

Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều phương pháp phân tích, lý giải đa chiều, nhiều thông tin cập nhật liên quan đến đời sống xã hội và đời sống văn học nghệ thuật, các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo nhìn chung đều tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, những vấn đề cơ bản, cốt lõi của văn học nghệ thuật trong việc vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới…

Hầu hết các tham luận đều khẳng định vấn đề xây dựng nhân cách con người trong văn học, nghệ thuật được ông cha ta quan tâm từ rất lâu. Trong mỗi thời kỳ lịch sử của dân tộc, giới văn học nghệ thuật nước nhà đều coi đó là nhiệm vụ vẻ vang của người “chở đạo”, góp sức xây dựng nền tảng xã hội.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay, việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi, thời sự, cấp bách của sự phát triển bền vững đất nước, đang được xã hội đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết của công chúng với nền văn nghệ của nước ta trong giai đoạn mới…

Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở góp phần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 đồng thời gợi mở những giải pháp cơ bản, cấp bách, góp sức tạo ra những thành tựu mới của văn học nghệ thuật nước nhà trong xây dựng đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống của con người Việt Nam. Đây cũng là việc làm thiết thực góp ý kiến vào dự thảo các văn  kiện tình Đại hội XII của Đảng.

N.Nguyễn
.
.
.