Kiểm toán Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam:

Phát hiện nhiều sai phạm trong việc sử dụng tài chính, tài sản công

Thứ Tư, 09/09/2020, 07:28
Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III mới đây đã tiến hành kiểm toán tại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Qua đó, đã phát hiện nhiều bất cập, sai phạm trong việc phân bổ, giao dự toán và quản lý sử dụng các khoản thu chi ngân sách và tài sản công; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính-kê toán, chế độ quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước…


Chi đầu tư phát triển… chưa đúng

Theo số liệu báo cáo tình hình giải ngân đã xác định kho bạc đến hết niên độ 2019 là 102 tỷ đạt 85% kế hoạch vốn được giao năm 2019. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn chưa được các chủ đầu tư thực hiện báo cáo cơ quan cấp trên, một số dự án có các gói thầu thuộc diện quá hạn thu hồi tạm ứng theo quy định; tổng số tiền tạm ứng là hơn 25 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản lãi gửi ngân hàng tại tài khoản nhà thầu phát sinh từ kinh phí tạm ứng qua các các năm) cho các dự án như Bảo tàng Công nhân và Công đoàn Việt Nam, dư án nhà thi đấu thể dục thể thao Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hoà, Dự án xây dựng trung tâm phát triển bền vững…

Năm 2019 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa  tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu định kỳ hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, KTNN chỉ rõ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chưa đạt được mục tiêu theo tiến độ của đề án đã đề ra cho đến thời điểm kiểm toán là tháng 5/2020, tổng thể đề án mới hoàn thành được giai đoạn 1. Nguyên nhân do vướng mắc cơ chế chính sách.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 54, điều 55 của Luật Đất đai 2013, Tổng LĐLĐVN (là tổ chức chính trị xã hội) không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc kết hợp cho thuê, do vậy các địa phương gặp vướng mắc về tính pháp lý khi ban hành quyết định giao đất cho Tổng liên đoàn.

Do vậy đối với 2 địa phương đã ban hành quyết định giao đất chính thức triển khai dự án là chưa đúng với Luật Đất đai. Cùng đó, việc bán nhà với giá ưu đãi cho đoàn viên, công nhân lao động từ nguồn vốn được đầu tư từ ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với Luật nhà ở 2014. Khi xây dựng đề án Tổng LĐLĐVN chưa làm rõ cơ chế chính sách trong huy động vốn thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế dẫn đến nguồn vốn được huy động chủ yếu từ tài chính công đoàn.

Mặt khác theo đề án sẽ sử dụng 3.570 tỷ đồng từ nguồn Tài chính công đoàn để đầu tư và bán hoặc cho thuê đối với người lao động là không phù hợp với Điều lệ công đoàn Việt Nam.

Ngoài ra, theo cách thức huy động 87% từ nguồn tiết kiệm chi của các cấp công đoàn là chưa phù hợp. Hay như việc các dự án thuộc đề án còn chưa quan tâm bố trí diện tích đất xây dựng các công trình đô thị thiết yếu như trường mẫu giáo, siêu thị bệnh viện. Thậm chí, Kiểm toán cũng phát hiện ra các dự án thiết chế tại Hà Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh quy hoạch đáp ứng chỗ ở cho gần 2.000 công nhân trong khi nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp vào khoảng 3.468 công nhân/khu, dự kiến tăng lên 4.974 công nhân vào năm 2020.

 “Trong khi nhà ở cho công nhân còn thiếu thì việc dự án Hà Nam hiện đang bố trí 3653m2 đất, dự án Tiền Giang quy hoạch 3.160m2 quỹ đất xây dựng căn hộ liền kề để bán ngay trong giai đoạn I là chưa thực sự cần thiết”, kết luận kiểm toán thẳng thắn nêu.

Tài chính công đoàn: Chênh lệch thu – chi, tăng kết dư 932 tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng tài chính công đoàn, KTNN cũng chỉ rõ, việc thu kinh phí đối với đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn. Theo số liệu tổng hợp quyết toán của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam từ khi theo dõi và tổng hợp được số thu từ năm 2015-2019, thì tổng số thu 1.162 tỷ đồng, tổng số chi hơn 143 tỷ đồng chiếm 12,3%; số đã cấp cho đơn vị khi thành lập công đoàn cơ sở 86,9 tỷ chiếm 7,5% chênh lệch thu chi tăng kết dư 932 tỷ đồng.

Theo quy định tại điều 4 về đối tượng đóng kinh phí và điểm 2, điều 6 quy định phương thức đóng kinh phí công đoàn của Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, thì đối tượng thu kinh phí đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn là có quy định. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa có quy định cụ thể việc phân phối nguồn thu và chi tiết các nội dung chi cụ thể phục vụ người lao động, dẫn đến việc sử dụng kinh phí không hiệu quả, thậm chí còn trường hợp đã thu kinh phí 10 năm nhưng không được thành lập công đoàn cơ sở.

Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cấp công đoàn chưa chủ động trong các khoản chi, chưa thể hiện rõ việc chăm lo cũng như đem lại lợi ích cho người lao động. Ngoài ra, việc trích kinh phí công đoàn tại các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn, là khoản chi phí trong giá thành của các doanh nghiệp bỏ ra tạo thành chi phí xã hội trong khi đó không chi cho người lao động tạo nguồn kết dư cho tài chính công đoàn là không phù hợp…

Liên quan đến việc sử dụng tài chính công đoàn, qua kiểm toán cho thấy  tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động còn thấp (chiếm 46%) so với tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Hay như các cấp công đoàn còn phê duyệt một số nội dung chi vượt, chi chưa đúng định mức quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, chưa kiểm tra kiểm soát các nội dung khi đưa vào quyết toán tài chính công đoàn như đưa vào quyết toán một số nội dung chi chưa đủ điều kiện quyết toán 7,1 tỷ đồng (Liên toàn Lao động Hà Nam, Thanh Hoá); chi sai nguồn 189,9 triệu đồng (Bắc Ninh, Bình Dương); hạch toán sai tài khoản 475 triệu đồng; chưa đầy đủ hồ sơ chứng từ chi theo quy định 439,9 triệu đồng; chi không đúng nội dung đối tượng 90,9 triệu đồng…

Liên quan đến hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh liên kết, cho vay từ nguồn tích luỹ tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc và trách nhiệm trả nợ cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Cụ thể, qua thực hiện kiểm toán tại các liên đoàn lao động tỉnh và công đoàn ngành cho thấy  tại nhiều đơn vị đầu tư còn khó có khả năng thu hồi như công đoàn công thương cơ quan đầu tư dài hạn 1 tỷ đồng; tại công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam mua cổ phiếu đầu tư dài hạn 6,2 tỷ đồng từ năm 2010 không hiệu quả, hàng năm chưa chia được cổ tức...; công tác giám sát việc sử dụng vốn vay còn chưa chặt ché, chưa có biện pháp thu hồi gốc và lãi vay theo thoả thuận, chưa có chế tài xử phạt nên hiệu quả sử dụng thấp, chưa thu hồi dứt điểm các khoản vay kéo dài cho nhiều năm…

Lộ nhiều sai sót trong quản lý, sử dụng tài sản nhà đất

Theo báo cáo Công đoàn các cấp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện đang quản lý và sử dụng 505 cơ sở nhà đất trong đó có 329 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 65%; 176 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận chiếm 35%; tổng diện đất quản lý và sử dụng là 2.148.786m2. Qua kiểm toán chi tiết cho thấy, các đơn vị thuộc Tổng liên đoàn chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời việc thực hiện rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc nhà nước theo Nghị định 167.

Đến thời điểm 31/12/2019 mới có 114/505 cơ sở nhà đất đã thực hiện rà soát, kê khai, sắp xếp lại nhà đất (tương đương 22,5%), trong đó mới có 99 cơ sở nhà đất đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà đất. Một số đơn vị thuộc Tổng liên đoàn sử dụng tài sản đất còn chưa đúng quy định, liên kết, hợp tác góp vốn kinh doanh có nguy cơ mất kiểm soát về quản lý diện tích đất được giao như liên đoàn lao động tỉnh Bình Phước.

Một số sai sót khác cũng được kiểm toán vạch ra đó là ký hợp đồng cho thuê đất, tài sản trên đất nhưng giá cho thuê chưa thực hiện đấu thầu, chưa tham khảo giá cho thuê trên thị trường để có căn cứ đưa ra đơn giá cho thuê phù hợp. Tình trạng này xảy ra ở liên đoàn lao động tỉnh Hưng Yên, liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình. Vẫn ở 3 tỉnh này, kiểm toán nhà nước còn phát hiện việc ký hợp đồng cho thuê đất, tài sản trên đất nhưng giá cho thuê chưa thực hiện đấu thầu, chưa tham khảo giá cho thuê thị trường để có căn cứ đưa ra đơn giá cho thuê phù hợp.

Trong khi đó, tại Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội lại xảy ra tình trạng thực hiện ký hợp đồng liên doanh liên kết có một số điều khoản trong hợp đồng chưa phân định rõ trách nhiệm pháp lý của khu đất và trách nhiệm trong việc liên doanh khai thác khu đất theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai thì có tới 4 cơ sở trong tình trạng không sử dụng…

Đặng Nhật
.
.
.