Phần lớn 50 sự cố môi trường nghiêm trọng đều từ cơ sở công nghiệp

Thứ Tư, 24/05/2017, 14:33
“Formosa đã khắc phục xong 52/53 lỗi và đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào các hạng mục cải thiện, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường và đã cơ bản đáp ứng điều kiện để đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm” – đây là thông tin vừa được Bộ Tài nguyên & Môi trường cập nhật.


Trong năm 2016, trên toàn quốc có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm. Một số sự cố, điểm nóng ô nhiễm môi trường phải kể đến như: sự cố sụt hồ chứa chất thải tuyển nổi quặng chì kẽm của nhà máy tuyển nổi chì kẽm (xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng); sự cố vỡ bờ bao hồ nước đãi titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận); Công ty TNHH Chin Well Fasteners Việt Nam tại tỉnh Đồng Nai chôn lấp bùn thải trái phép; ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi trong khuôn viên đất Tiểu đoàn 26 và Trung đoàn 916 tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội; 

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Ánh Dương (Đà Nẵng) chôn lấp chất thải trái phép; vụ việc đổ bùn thải trái phép xuống sông Hồng do tàu thủy mang số hiệu PT0677 gây ra; vụ việc bãi rác Đa Phước (TP Hồ Chí Minh) phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường; Công ty Cổ phần DAP Đình Vũ, Hải Phòng thải CTR thạch cao chứa photpho cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt là sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế làm hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra; vụ việc cá chết hàng loạt tại Hồ Tây (Hà Nội); sự cố cá chết hàng loạt trên sông Bưởi...

Sự cố môi trường do Formosa gây ra có hậu quả rất lâu dài

Sự cố môi trường biển miền Trung diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân. Ngoài việc nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển và đền bù 500 triệu USD, Formosa cũng đã bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 4,485 tỷ đồng.

Để giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Formosa, Bộ đã thành lập Hội đồng liên ngành giám sát; đã thành lập Tổ giám sát và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát hàng ngày việc xử lý nước thải, khí thải của Formosa. 

Quá trình giám sát sẽ được thực hiện cho đến khi Formosa hoàn thành chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô. Theo kết quả họp Hội đồng liên ngành ngày 10/5/2017 cho thấy: đến nay, Formosa đã khắc phục xong 52/53 lỗi (riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019 theo như cam kết); đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào các hạng mục cải thiện, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các công trình của Formosa đã cơ bản đáp ứng điều kiện để đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm.

Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho biết: Việt Nam còn tồn tại các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Theo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên phạm vi cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Một số cơ sở sản xuất phát sinh lượng chất thải công nghiệp lớn: Điển hình tại các cơ sở khai thác khoáng sản (Núi Pháo, Thái Nguyên), sản xuất phân bón (DAP Đình Vũ, Hải Phòng), nhà máy nhiệt điện (Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tỉnh Bình Thuận),  sản xuất thép (Tổ hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh), sửa chữa tàu biển (Huyndai Vinashin Khánh Hòa);... Tại các cơ sở này đều hình thành bãi chứa chất thải quy mô lớn, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường. 

Vũ Hân
.
.
.