Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019

Thứ Năm, 03/10/2019, 08:30
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, ngày 2-10, tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá bức tranh kinh tế - xã hội nổi lên nhiều điểm sáng đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, trong đó riêng Quý III ước tăng 7,31%, cao hơn cùng kỳ năm 2018.

Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Bên cạnh tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Lạm phát cơ bản được kiểm soát thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,3% GDP và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, cơ bản đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (45,3%) và có tốc độ tăng cao nhất (16,9%). “Tôi có hỏi đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thì khả năng thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán 5% so với Quốc hội giao là khả thi và lần đầu tiên chúng ta đạt con số cao như thế, đến 15-9 đã đạt con số thu trên 1 triệu tỷ đồng”, Thủ tướng cho biết. Bên cạnh đó, xuất khẩu đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng 16,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỷ USD.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong Quý III. Nông nghiệp mặc dù gặp khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, biến đổi khí hậu nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn. Chăn nuôi gia cầm, thủy sản tăng mạnh, nên cả ngành vẫn đạt mức tăng trên 2%.

Thủ tướng cho biết thông tin mới nhận là năm nay chúng ta tái cơ cấu mạnh mẽ ngành Nông nghiệp, trong đó có ngành Lâm sản xuất khẩu gỗ rừng trồng nên 9 tháng đạt con số trên 9 tỷ USD. Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%.

Khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với hơn 102.000 doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Kết quả điều tra kinh doanh ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 87,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Về các lĩnh vực xã hội, công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân được quan tâm thực hiện. Chúng ta đã cấp hơn 20 triệu thẻ bảo hiểm y tế, thẻ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2019 trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng cho thấy, trong các tháng cuối năm nếu không có vấn đề bất thường xảy ra, tốc độ tăng GDP có thể đạt cao hơn mức 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội giao. Vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt kết quả rất quan trọng.

“Chúng ta rất mừng khi đời sống nhân dân trên mọi miền Tổ quốc tiếp tục được cải thiện rõ nét, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo”, Thủ tướng nói. Số hộ thiếu đói giảm 33%.

“Kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và sắp tới trình Trung ương, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt” - Thủ tướng nêu rõ.

Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Theo Thủ tướng, điều đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành lãnh đạo chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, kết quả đó minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta. “Điều đó cũng nói lên khi chúng ta đã quyết tâm thì nhất định sẽ làm được”, Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả tích cực cần nhìn nhận còn nhiều điểm yếu, khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua.

Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong tháng 9 và quý III phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi; vấn đề tội phạm có yếu tố nước ngoài tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM; tội phạm cướp của, giết người, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi...

Nhắc đến vấn đề đang gây bức xúc nhân dân là tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 2 địa phương đông dân nhất cả nước cần có những biện pháp cụ thể, ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm tình trạng này, “không để người dân kêu mà không xử lý”.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là tuyệt đối không “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, không chủ quan, khắc phục triệt để các yếu kém, tồn tại, từ vấn đề môi trường, giải ngân vốn đầu tư công, chính sách đất đai, hoàn thiện thể chế…; trong đó có vai trò, trách nhiệm lớn của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành.

Đi liền với đó là tập trung khắc phục khó khăn thúc đẩy tăng trưởng, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính; chuẩn bị tốt việc ứng phó với mùa mưa bão năm nay, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, bảo đảm an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, phấn đấu nỗ lực hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm; đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, của thị trường tài chính đối với Việt Nam và đưa ra những giải pháp kịch bản, kịp thời, phù hợp, khai thác tốt hơn nữa các Hiệp định FTA đã ký kết.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành dành thời gian hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các vụ hỏa hoạn, cần công khai thông tin và nhắc nhở người dân về các biện pháp an toàn kịp thời hơn...

An Quỳnh
.
.
.