Phản bác xếp hạng của EIU về xâm hại tình dục ở Việt Nam

Thứ Ba, 22/01/2019, 17:39
Ngày 22- 1, Cục Trẻ em (Bộ LĐ- TBXH) đã tổ chức gặp mặt một số cơ quan báo chí để thông tin chính thức về báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em).

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, báo cáo Ra khỏi vùng tối do EIU thực hiện ngày 16- 1- 2019, Economist Intelligence Unite (EIU), hãng nghiên cứu thuộc Econnomist Group - Công ty truyền thông sở hữu Tạp chí The Economist. EIU chỉ công bố kết quả báo cáo trên mạng chứ không gửi thông tin chính thức đến bất kỳ một cơ quan tổ chức nào của các quốc gia, song một số thông tin chưa thật sự rõ ràng, thỏa đáng.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hoa Nam cho biết, báo cáo của EIU đã xếp Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100, Việt Nam đứng thứ 37/40 quốc gia, đứng sau tất cả các nước cùng khu vực được khảo sát (Philippines vị trí 16, Malaysia thứ 20, Campuchia vị trí 23, Indonesia đứng thứ 32, Trung Quốc 36). Ba nước xếp cuối là Mozambique, Ai Cập và Pakistan trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada. Điều đáng nói, EIU chấm điểm thành phần về môi trường của Việt Nam là 59, hành lang pháp lý 56 điểm, cam kết và khả năng của Chính phủ đạt 38 điểm; sự tham gia của các ngành nghề truyền thông đạt 17 điểm.

Tổ chức này chấm Việt Nam 0 điểm trong việc thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em; không có cơ quan riêng để thi hành luật về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông.

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

“EIU chỉ công bố kết quả báo cáo trên mạng chứ không gửi thông tin chính thức đến bất kỳ một cơ quan tổ chức nào. Kết quả đánh giá của họ rất chung chung, không nêu rõ thời gian cập nhật thông tin số liệu, phương pháp tính toán, trọng số. Chúng tôi đang cân nhắc việc có hay không gửi thông tin phản hồi chính thức đến tổ chức này. Nếu có gửi, chúng tôi yêu cầu họ phải công khai minh bạch nguồn thông tin dữ liệu, phương pháp tính toán để người được đánh giá sẽ biết hạn chế cái gì” - ông Đặng Hoa Nam cho hay.

Ông Đặng Hoa Nam khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Hệ thống pháp luật đang ngày được hoàn hiện. Việt Nam cũng đã công bố tổng đài quốc gia 111 - cho tất cả người dân gọi đến để thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về tình trạng xâm hại trẻ em. Không chỉ thế, hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em cũng được xốc lại. Cả nước hiện có 34 trung tâm công tác xã hội có hoạt động bảo vệ trẻ em, 116 cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em. Bên cạnh đó, sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài nước về công tác trẻ em đã được triển khai từ nhiều năm qua.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) từ hàng chục năm qua, nhiều tổ chức trong nước cũng đảm nhiệm công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như Hội Bảo vệ quyền trẻ em. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, Việt Nam rất cầu thị, hoan nghênh các báo cáo đánh giá nhưng mong muốn việc nghiên cứu cần tiếp cận với các nguồn tin chính thống, có thể không từ Chính phủ Việt Nam nhưng phải từ các tổ chức phi Chính phủ, dân sự hoạt động tại Việt Nam để có được đánh giá chính xác, khách quan.

Đây cũng là phản ứng của đại diện Cục Trẻ em đối với đánh giá 0/100 điểm dành cho Việt Nam ở một số tiêu chí trong báo cáo của EIU như thu thập dữ liệu, bảo vệ trẻ em trên Internet, sự tham gia của truyền thông… Bởi thực tế công tác thu thập số liệu về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đang được thực hiện qua nhiều kênh thông tin từ: Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng... theo từng tuần, từng tháng, từng năm. Do đó, nếu chấm 0 điểm công tác thu thập dữ liệu về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là không chính xác.

Phan Hoạt
.
.
.