Phải xử lý nghiêm những hành vi nguy hiểm, phá hoại an ninh quốc gia

Thứ Bảy, 17/10/2009, 16:05
Ngày 14/10 vừa qua, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã phát đi một thông cáo báo chí về "quyền con người và tự do tôn giáo ở Việt Nam", liên quan đến việc vừa qua Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Hải Phòng đã xét xử 9 bị cáo về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", theo khoản 1, Điều 88 - Bộ luật Hình sự. Trong thông cáo của Sứ quán Mỹ cũng cho rằng "việc bắt giữ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người đã bị đánh và bị bắt giữ sau khi công khai bày tỏ sự ủng hộ cho 9 nhà hoạt động này...".
>> “Mặc áo” tu hành, nhận tiền phản động

Trên thực tế, thông cáo báo chí này là hoàn toàn sai lệch và những đòi hỏi nêu trong thông cáo là vô lý và thể hiện sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Về nhóm người do Nguyễn Xuân Nghĩa cầm đầu, tháng 8/2008, Nghĩa và các đồng phạm đã có hành vi treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại cầu vượt Lạch Tray (Hải Phòng) và cầu vượt Lai Cách (Hải Dương) để chụp ảnh, viết bài xuyên tạc, phỉ báng chính quyền rồi tán phát lên mạng Internet tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Họ đã thường xuyên gửi cho các trang web ở nước ngoài nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đòi đa nguyên đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng... kích động chống đối chính quyền, tác động xấu tới công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước...

Những hoạt động này đã xâm hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, gây mất ổn định chính trị, xã hội và cần phải bị nghiêm khắc xử lí. Phán quyết của Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Hải Phòng là phù hợp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình.

Về việc bà Trần Khải Thanh Thủy bị bắt giữ, thực tế rõ ràng như ban ngày là, bà Thủy bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Đống Đa, Hà Nội) khởi tố, bắt tạm giam về tội "cố ý gây thương tích" theo điều 104, Bộ luật Hình sự. Tối 8/10 vừa qua, do mâu thuẫn với một người đi xe máy ngay trước cửa nhà mình ở 187 Ngõ Chợ Khâm Thiên, bà Thủy và chồng mình là ông Đỗ Bá Tân dùng mũ bảo hiểm, gạch và gậy gỗ tấn công ông Nguyễn Mạnh Điệp, gây thương tích nặng cho nạn nhân. Như vậy, hoàn toàn không có chuyện bà Thủy bị bắt vì "công khai bày tỏ sự ủng hộ cho những nhà hoạt động này" - tức nhóm người của Nguyễn Xuân Nghĩa, theo như thông cáo báo chí của Sứ quán Mỹ. 

Thông cáo báo chí của Sứ quán Mỹ cũng đề cập đến tình hình xảy ra ở tu viện Bát Nhã (tỉnh Lâm Đồng) với nội dung thiếu thiện chí và cố tình không hiểu vấn đề mặc dù đã được các cơ quan chức năng Việt Nam thông báo đầy đủ tình hình trong buổi họp báo của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 9/10 tại Hà Nội và thậm chí, cũng trong ngày 9/10, đại diện Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM đã được các cơ quan chức năng Việt Nam tạo điều kiện tới tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ để trực tiếp tìm hiểu tình hình.

Qua những vụ việc cụ thể nêu trên, có thể thấy, tuy đã được trực tiếp tiếp cận thông tin, song thông cáo báo chí của Sứ quán Mỹ đã thể hiện sự cố tình làm sai lệch sự thật và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 14/10 (ngày Sứ quán Mỹ ra bản thông cáo báo chí nói trên), Đại sứ Mỹ Michael Michalak, đã tới thăm phạm nhân Nguyễn Văn Lý, hiện đang thi hành án phạt tù tại Trại giam Ba Sao. Ông Nguyễn Văn Lý từng là Linh mục tại Thừa Thiên - Huế, nhưng đã có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới an ninh quốc gia và bị Tòa án tuyên phạt 8 năm tù giam về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", quy định tại khoản I, Điều 88 - Bộ luật Hình sự.

Đại sứ Michael Michalak (thứ 3 từ phải sang) gặp gỡ ông Nguyễn Văn Lý, ngày 14/10 tại Trại Ba Sao.

Trước buổi gặp, Đại sứ Michael Michalak đã được Thượng tá Dương Đức Thắng, Giám thị Trại Ba Sao thông báo về tình hình sức khỏe và sinh hoạt của ông Nguyễn Văn Lý. Theo đó, ông Lý được bảo đảm đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một phạm nhân đang thi hành án phạt tù, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các cán bộ quản giáo và y tế của trại luôn quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe và bảo đảm điều kiện sinh hoạt của ông Lý. Cũng như những phạm nhân khác, nếu sức khỏe của ông Lý có vấn đề gì, thì sẽ được điều trị tại bệnh xá của trại hoặc các cơ sở y tế khác, kể cả ở các bệnh viện lớn tuyến trên.

Trong cuộc gặp với Đại sứ Michael Michalak, ông Nguyễn Văn Lý đã thông báo về sức khỏe của bản thân. Theo ông Lý, do huyết áp cao nên ông bị tai biến, dẫn đến liệt tay phải và chân phải. Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc y tế kịp thời và tích cực tập luyện, khoảng một tháng sau ông Lý đã bình phục và hiện sức khỏe phục hồi gần như trước khi bị tai biến, có thể cầm bút viết, đi lại bình thường. Ông Lý cũng cho biết, ông vẫn được tiến hành nghi lễ tôn giáo, đọc sách kinh, cầu nguyện. Ngoài ra, ông Lý cũng được cán bộ trại cho phép trồng một số chậu cây cảnh nhỏ trong phòng và sân trại giam. Hằng ngày, ông Lý được xem báo và tivi...

Ngay sau cuộc gặp ông Nguyễn Văn Lý, trao đổi với báo chí, Đại sứ Michael Michalak cho biết: Tôi không phải là bác sĩ nên không có chuyên môn, nhưng tôi thấy sức khỏe và tinh thần của ông Lý khá tốt và có lẽ ông ấy đã nhận được sự chăm sóc và điều trị cần thiết theo pháp luật của Việt Nam. Về khả năng ông Lý cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam, Đại sứ Michael Michalak khẳng định: Tôi không phải là người ở vị trí để đưa ra phán quyết đó. Việc trả tự do cho ông Lý trước thời hạn hay không là do phía Việt Nam quyết định...

Kết thúc cuộc gặp, Đại sứ Michael Michalak trân trọng cảm ơn các cơ quan chức năng của Việt Nam và Ban giám thị Trại Ba Sao đã bố trí để ông gặp, trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý. Được biết, đây là lần thứ ba Đại sứ Michael Michalak được tới thăm ông Lý và cũng như mọi lần, ngài Đại sứ đều thừa nhận ông Lý được bảo đảm những quyền lợi theo pháp luật Việt Nam

Rõ ràng, trong cuộc trao đổi với các cán bộ trại và phóng viên báo chí, Đại sứ Michael Michalak đã khẳng định việc trả tự do cho ông Lý trước thời hạn hay không là do phía Việt Nam quyết định. Vậy nhưng cũng trong ngày 14/10 đó, Sứ quán Mỹ lại có thông cáo báo chí yêu cầu "phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện những người này". Sự tiền hậu bất nhất này đã khiến dư luận rất khó hiểu; đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác và cần phải được chấm dứt ngay

Trần Duy Hiển
.
.
.