Phải “xoá” được tình trạng lợn hai chuồng, rau 2 luống

Thứ Sáu, 13/04/2018, 12:58
Thảo luận về Luật chăn nuôi, cơ bản các ý kiến đều tán thành cần thiết phải có Luật Chăn nuôi. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo.


Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự luật mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh so với pháp lệnh hiện hành, thể hiện tầm cỡ ngành sản xuất quy mô lớn, không chỉ tiếp cận quản lý về giống mà còn là ngành sản xuất. 

Việc ban hành luật làm cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc quản lý và phát triển ngành sản xuất tiềm năng của Việt Nam là cần thiết. Đồng thời lưu ý, dự luật liên quan đến rất nhiều luật khác và “đụng” đến nhiều ngành khi điều chỉnh từ giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đến hoạt động chăn nuôi... và đặt vấn đề Luật có điều chỉnh thức ăn thuỷ sản không vì Luật Thuỷ sản, Luật Thú y cũng đề cập những vấn đề này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc định góp ý dự án Luật chăn nuôi

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh luật này nâng tầm phạm vi rất rộng nên điều kiện sản xuất kinh doanh phải phù hợp Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, không nên đặt ra điều kiện kinh doanh, thủ tục mới. Nhiều điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh thì có thể quản lý thuận lợi nhưng lại hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trình tự, thủ tục, điều kiện kinh doanh còn chưa rõ ràng khi giao cho Chính phủ hoặc Bộ NN&PTNT quy định. Trong bộ hồ sơ kèm theo chưa thấy có nghị định do đó chưa thấy định hướng, giải pháp để cải thiện điều kiện kinh doanh như thế nào. 

Đồng thời đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ để không chồng chéo và trong khả năng nguồn lực. Bên cạnh đó, giải pháp để triển khai xã hội hóa nguồn lực cũng chưa rõ.

Đề cập hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn quy định ở Điều 7 về việc không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị, không chăn nuôi tập trung trong khu dân cư. Trong khi đó, Điều 38 lại giao cho UBND trình HĐND quy định các khu vực trong khu nội thị, nội thành, khu dân cư được chăn nuôi, đề nghị quy định phải rõ ràng để tránh mâu thuẫn. 

Ngoài ra, khung tiêu chí, tiêu chuẩn xác định vị trí và khoảng cách cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư khó triển khai trong thực tiễn nên cần nghiên cứu kỹ hơn.

Trưởng Ban Dân Nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn, luật này có góp phần khắc phục được hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” mà dư luận vẫn phản ánh hay việc thường xuyên phải giải cứu thịt lợn, giải cứu su hào, củ cải hay không. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải góp ý là về việc đưa quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nêu quan điểm, Luật nên theo hướng quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn, còn đặt vấn đề từ trang trại thế nào thì khó có thể nói hết được.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đọc tờ trình.

“Nói chủ hộ chăn nuôi nông hộ phải kê khai với UBND cấp xã. Nhà tôi nuôi con bò, mấy con gà có đăng ký không hay quy mô thế nào đó mới đăng ký” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và lưu ý ở vùng nông thôn chăn nuôi như thế phổ biến nên cần nghiên cứu thêm để quy định phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai tạo để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của đất nước, vừa tiếp cận được nguồn gen giống của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi.  

Tán thành với việc dự thảo Luật xác định 3 danh mục vật nuôi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về quy chế pháp lý của từng vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn và chỉ rõ ngoài 3 danh mục này, những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất kinh doanh hay không. 

Về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện các quy định này cô đọng và rõ ràng hơn,mang tính định hướng, xuyên suốt trong hoạt động chăn nuôi; nghiên cứu, phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích một số khâu trọng yếu trong chăn nuôi như xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi...

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành trong quản lý, thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; có những quy định nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ trong chăn nuôi, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.  

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lấy thêm ý kiến của nhân dân, đặc biệt là doanh nghiệp, người chăn nuôi, người kinh doanh, tiêu dùng; giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật.

Phương Thuỷ
.
.
.