Phải đảm bảo độ 'chín' khi thông qua dự án luật

Thứ Hai, 23/11/2015, 09:16
Theo chương trình kỳ họp, nhiều dự án luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào tuần này – tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10. 

Tuy nhiên, đối với dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Tố tụng Hình sự (sửa đổi) – hai dự án luật lớn liên quan trực tiếp đến quyền công dân, quyền con người, đến nay một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau vẫn chưa được thống nhất.

Tuần làm việc cuối của kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án luật như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự... 

Đối với dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật được đã được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh. UBTV Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để bổ sung các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam như quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu người bị tạm giữ, tạm giam đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam. Điều 9 của dự thảo luật về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam đã được chỉnh lý lại như trong dự thảo Luật trình Quốc hội. Dự luật cũng bỏ quy định việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án mà quy định cụ thể ngay trong luật số lần, thời gian gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam... 

Về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ việc đánh giá rất cao những giải trình, tiếp thu của dự án luật, nhất trí cao việc bổ sung thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm công nghệ cao vào hệ thống cơ quan điều tra thuộc lực lượng CAND để tăng cường hiệu lực, hiệu quả pháp luật, phòng chống loại tội phạm dự kiến sẽ diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới này. Điều này sẽ khắc phục được những yếu kém nhiều năm nay trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã thể chế hoá được chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp 2013, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục hạn chế, tồn tại, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các ý kiến bày tỏ sự thống nhất hoàn toàn với quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, cho rằng quy định như vậy là hợp lý, rõ ràng, rành mạch, phù hợp với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực. Dự luật cũng bổ sung cơ quan kiểm ngư được giao một số hoạt động điều tra. Đối với cơ quan thuế, chứng khoán, đa số ý kiến đại biểu đều đề nghị không quy định thẩm quyền điều tra cho hai cơ quan này nên đã loại bỏ khỏi dự luật. 

Đáng chú ý, dự án BLHS sửa đổi và TTHS sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hai kỳ họp (thứ 9 và thứ 10). Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh những nội dung đã được chỉnh lý, tiếp thu theo ý kiến đại biểu Quốc hội thì còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau vẫn chưa được chỉnh sửa hợp lý, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học. Điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại bởi đây là hai dự án luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền công dân, quyền con người, các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, dân sự, đòi hỏi phải được quy định một cách chặt chẽ,  khoa học, dự luật trình Quốc hội thông qua phải đủ độ “chín”, có tính khả thi cao.

Một trong những nội dung chưa thống nhất trong dự án Bộ luật TTHS sửa đổi là quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 179). Qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến không tán thành quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can mà chỉ ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội. Tuy nhiên, dự luật hiện quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra phải được ghi âm, ghi hình. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung. Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".

Tại phiên thảo luận mới đây, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng các thiết bị để ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, lấy lời khai và trong cả quá trình xét xử các phiên tòa là việc áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến góp phần đặc biệt quan trọng trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính minh bạch, công khai hạn chế phản cung, tăng cường trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Tuy nhiên, để làm điều này trong thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải tính toán cân nhắc các điều kiện cụ thể về pháp lý, kinh tế và hiệu quả thực tế. Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội và ghi âm, ghi hình các phiên tòa khi đưa ra xét xử. Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can như dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi là chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, không đảm bảo tính khoa học và tính khả thi, khó thực hiện đồng bộ, thống nhất, đồng thời gây tốn kém với khối lượng rất lớn kinh phí phải bỏ ra. Theo các đại biểu Quốc hội, vấn đề này cần phải có khảo sát cụ thể, đầy đủ, đánh giá một cách khách quan, toàn diện trước khi lựa chọn phương án chứ không thể đánh giá theo chủ quan.

Cùng với đó là những quy định về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 59)... cũng cần được đánh giá cụ thể, đầy đủ hơn. 

Cũng trong tuần này, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình của UBTV Quốc hội về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội thảo luận, biểu quyết về Ngày bầu cử và việc quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đăng Minh
.
.
.