Niềm tin tất thắng từ 'lời hịch non sông'

Thứ Sáu, 19/12/2014, 09:42
Đã có rất nhiều nghiên cứu, phân tích về “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, áng văn có giá trị là một “lời hịch non sông”, cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Song, phân tích riêng về giá trị thời đại trong lời kêu gọi của Bác cho thấy, Người đã đặt mẫu số “lòng tin chiến thắng” - điểm tựa trước một cuộc chiến đầy chông gai, gian khổ và chính lòng tin đó đã hun đúc sức mạnh vô biên giúp toàn dân tộc vững khí, vượt qua các ranh giới về nội lực và ngoại lực để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong lời kêu gọi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị, dễ hiểu - nét độc đáo, đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thì “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc, không phân biệt tầng lớp, địa vị, nam nữ, trẻ già…

Hưởng ứng lời kêu gọi này, quân và dân Hà Nội ngay trong mùa đông năm 1946 đã nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đoàn kết, nhất tề đứng lên cầm vũ khí đánh giặc, khởi điểm cho cuộc đấu tranh giữ độc lập, chủ quyền trên toàn quốc. 

Kết thúc lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Có người cho rằng đó là lời tiên đoán chính xác bởi 9 năm sau, cuộc kháng chiến kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng; 30 năm sau, đội quân bách chiến bách thắng của Người đã cắm lá cờ lên nóc dinh Độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày đêm, đem lại độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối. Tuy nhiên, hiểu rõ nội hàm của vấn đề này thì đây là sự khẳng định với căn cứ, cơ sở khoa học vững chắc.

Lòng tin tất thắng được Bác Hồ khẳng định ngay trong lời kêu gọi, ở thời điểm mà vận mệnh dân tộc thực sự “ngàn cân treo sợi tóc”. Chúng ta kiên trì hòa hoãn nhưng không thành công, trong khi sức lực của cách mạng thời điểm đó cực kỳ khó khăn, tài chính gần như trống rỗng, vũ khí, đạn dược không đáng kể, lực lượng vũ trang cách mạng dù đã có những tiến bộ thì cũng mới chỉ định hình ban đầu. Làm sao chỉ với một lực lượng công nông dùng cuốc, gươm, gậy gộc chống lại đội quân hùng mạnh được trang bị vũ khí hiện đại từ phương Tây mà tin chắc rằng mình sẽ thắng? Đây chính là tư tưởng quân sự của Bác Hồ, sự khó khăn, thách thức đòi hỏi kháng chiến phải trường kỳ, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo, đòi hỏi phải kháng chiến toàn diện để huy động sức mạnh toàn dân tộc. Đó cũng là tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi năm xưa. Bác đã nhìn nhận sâu xa cái đích của cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại đế quốc xâm lược thì “với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Việc đặt lòng tin vào kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc động viên tinh thần, ý chí của quân và dân ta, ngay ở thời điểm khởi đầu cần động lực để chiến đấu và cả quá trình kháng chiến trường kỳ.

68 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chúng ta tiếp nối con đường Bác đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với rất nhiều thách thức, đó là thách thức đến từ bên ngoài, từ tình hình thế giới, khu vực, chiến lược chống phá của kẻ địch; thách thức đến từ bên trong khi không ít kẻ phản động, cơ hội vẫn nuôi dưỡng âm mưu phá hoại, cùng với đó là những diễn biến về tâm lý, tư tưởng của một bộ phận quần chúng, đảng viên và hàng loạt khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân. Nhưng quan trọng nhất trong mọi chặng đường cách mạng, đó là niềm tin, lòng tin chiến thắng. Lời hịch của Bác đã minh chứng rằng, chính lòng tin là yếu tố cốt lõi để toàn dân tộc đoàn kết, gắng sức vượt qua mọi trở ngại. Chính lòng tin tiếp lên sức mạnh vô hình để chúng ta không quan ngại, không đầu hàng trước mối đe dọa, thử thách nào. Và cũng chính lòng tin để chúng ta biết mình đang ở đâu, biết nhận rõ tình hình, thời thế, biết phân tích căn cơ để vượt lên.

Không chỉ là chuyện quốc gia, dân tộc mà ngay trong mỗi tập thể, gia đình, mỗi cá nhân, trong chương trình, kế hoạch, mục đích hành động của mình, nếu đó là chính nghĩa thì dẫu khó khăn, chúng ta cũng có niềm tin tất thắng.

Mai Nhi
.
.
.