Những dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Thứ Ba, 20/03/2018, 08:57
Trong 9 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn cho sự nghiệp phát triển của nước ta thật sâu đậm và lâu dài. Với tôi, về kinh tế, có ba điều quan trọng nhất.

Thứ nhất, điều dễ nhìn thấy nhất là thành tựu về tăng trưởng kinh tế. Những nghiên cứu trong và ngoài nước về 30 năm Đổi mới ở nước ta đều thừa nhận trong giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân vừa cao nhất, vừa ổn định nhất. Ông đã điều hành đưa nước ta ra khỏi đà tuột dốc do cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ trong khu vực gây ra, kiềm chế được những bất ổn vĩ mô, phục hồi và tạo được nền tảng tăng trưởng không chỉ cho thời kỳ đó mà còn cho sau này.

Trong giai đoạn Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7,2%/năm. Đây là mức tăng tốt nhất trong 3 kỳ 10 năm nước ta đổi mới. Không những thế, chúng ta còn thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, đẩy mức tăng năng suất lao động lên cao hơn, trong khi vẫn kiềm chế được lạm phát và giữ bội chi ngân sách, nợ công ở mức thấp nhất trong 3 kỳ.

Điều đáng ghi nhận hơn nữa là trong những năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực nổ ra, khiến nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rời khỏi Việt Nam, xuất khẩu tụt giảm, đẩy chúng ta vào tình thế hết sức khó khăn do nội lực lúc này còn yếu.

Tăng trưởng GDP đã giảm từ 9,3% năm 1996 xuống 5,8% năm 1998, 4,8% năm 1999. Khi đó, rất nhiều người đã lo lắng liệu Việt Nam còn động lực gì để tăng trưởng. Song Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rõ rằng nội lực, với khu vực tư nhân trong nước mới là động lực chính, chứ không thể chỉ dựa vào FDI và xuất khẩu. Vì vậy ông đã tập trung cao nhất vào việc tiếp tục đổi mới, tạo lập thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân.

Chính Luật Doanh nghiệp (DN) được ông chỉ đạo soạn, tạo việc làm cho người dân và phục hồi kinh tế nước nhà. Năm 2000, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, năm 2002 đạt 7,1% và những năm sau ngày càng cao hơn.  Dòng đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu cũng trở lại mạnh mẽ.

Thứ hai là đổi mới thể chế kinh tế, đi đôi với cải cách hành chính. Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rõ tầm quan trọng của việc đổi mới thể chế, tạo lập nền tảng cho kinh tế thị trường vận hành để thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của nhân dân  nước ta.

Với nhận thức coi DN là lực lượng xung kích thời bình, ông đã tập trung cao nhất vào việc đổi mới thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân và cải cách DN Nhà nước để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực này.

Ngoài Luật DN 1999, Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi, ban hành nhiều luật liên quan như Luật FDI, Luật Thuế, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh…, Pháp lệnh về quyền tự vệ, Pháp lệnh chống bán phá giá…. Tất cả các văn bản này đều vừa tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN Việt Nam, vừa tương thích với các nguyên tắc của WTO.

Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các đại biểu dự lễ khánh thành cầu Tân Đệ qua sông Hồng, ngày 8-2-2002.

Sau vài năm thực hiện Luật DN năm 1999 với những thành công đầy thuyết phục, ông nhận thấy đã đến lúc phải tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình DN trong hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ta, không thể tiếp tục duy trì các luật riêng cho DNNN và FDI nữa. Ông chỉ đạo soạn thảo Luật DN và Luật Đầu tư 2005, thống nhất nền tảng pháp lý cho toàn bộ DN tư nhân, DN nhà nước và DN đầu tư nước ngoài.

Tinh thần của hai Luật mới vẫn là tạo điều kiện tối đa cho đầu tư kinh doanh, DN được làm tất cả những việc mà luật pháp không cấm. Các ưu đãi, khuyến khích được áp dụng chung, không phân biệt thành phần kinh tế. Những lĩnh vực mà Nhà nước cấm, những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì thu hẹp lại và minh bạch hóa. Hoạt động đăng ký đầu tư, kinh doanh được phân cấp mạnh về cho chính quyền các địa phương và giảm tối đa các thủ tục phiền phức, tốn kém.

Thực thi các luật này cũng chính là quá trình thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước, cắt giảm cơ chế xin-cho, buộc các cơ quan và công chức Nhà nước phải thu hẹp quyền lực, giảm các thủ tục, yêu cầu và hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho DN và người dân, tăng cường sự giám sát, đối thoại và tiếng nói của DN và người dân đối với Nhà nước. Cải cách hành chính đã được tiến hành mạnh theo cách đó trong những năm này.

Dấu ấn thứ ba của Thủ tướng Phan Văn Khải là hội nhập quốc tế. Những cải cách kinh tế trong nước và thành quả tăng trưởng nhờ phát huy nội lực và mở cửa hợp tác với bên ngoài đã tạo cơ sở cho chúng ta tăng cường hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời kỳ điều hành của Thủ tướng Phan Văn Khải, nước ta đã có những bước tiến hết sức quan trọng trong việc tham gia ASEM, APEC, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại song phương BTA với Mỹ, đàm phán thực chất và đưa nước ta gia nhập WTO, mở ra thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mới và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành quả phát triển mang đậm dấu ấn của ông, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng để lại ấn tượng cá nhân rất đẹp của một vị Thủ tướng có tư duy và hành động đổi mới luôn nhất quán, kiên định và mạnh mẽ, một nhà lãnh đạo luôn hết mình làm mọi việc có ích cho nước cho dân, một con người luôn sống bình dị, tôn trọng và chân tình với những người xung quanh. Dấu ấn của Ông sẽ còn mãi trên đất nước và trong lòng nhân dân nước nhà.

Phạm Chi Lan
.
.
.