Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2018

Thứ Ba, 02/10/2018, 09:33
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực từ 10-10. Theo đó, đơn giản hóa nhiều thủ tục đăng ký doanh nghiệp.


1. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực từ 10-10. Theo đó, đơn giản hóa nhiều thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 

Cụ thể, doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký để nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện.

2. Đơn giản hóa thủ tục kinh doanh xuất khẩu gạo

Có hiệu lực từ 10-10, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định, thương nhân thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…

3. Cán bộ, công nhân viên chức không đi lễ hội trong giờ hành chính

Đó là một trong những nội dung tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ). Nghị định có hiệu lực từ 15-10.

4. Bổ sung các trường hợp tinh giản biên chế

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực từ 15-10. 

Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. 

Nghị định cũng bổ sung thêm trường hợp tinh giản biên chế: Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

5. Dùng tay trần bán thức ăn có thể bị phạt tiền triệu

Từ ngày 20-10, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay; không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn… 

Phạt từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…

PV
.
.
.