Những chính sách có hiệu lực từ tháng 1-2019

Thứ Ba, 01/01/2019, 01:32
Tăng lương tối thiểu vùng, thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong thu tuyển công chức, thí điểm triển khai thanh tra ATTP chuyên ngành tại 9 tỉnh, thành phố... đó là những chính sách nổi bật có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2019. 

        
1. Người sử dụng lao động phải công khai việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

 Nghị định số 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực từ 1-1-2019. Theo đó, người sử dụng lao động phải công khai các nội dung sau: Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…

2. Tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2019

Theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2019

3. Điều kiện thành lập tổ chức hành chính

Theo Nghị định 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính có hiệu lực từ 10-1-2019, tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Có cơ sở pháp lý; đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật; có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính; có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác; loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

4. Đánh giá tác động môi trường các dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển

Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa có hiệu lực từ 11-1-2019. Nghị định quy định rõ, các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 5 năm.

5. Tin chỉ đạo ứng phó thiên tai cấp độ 3 được phát liên tục 3 giờ/lần

Theo Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai, có hiệu lực từ 15-1-2019, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đồng thời sẽ phát lại với tần suất tối thiểu 3 giờ/lần đối với thiên tai cấp độ 3.

6. Thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức

Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ 15-1-2019, đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức được tính thay đổi như sau: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi tại vòng 2; người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh… được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2…

7. Trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân viên hàng không có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực từ 15-12-2019. Theo đó, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách diễn ra trên tàu bay mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

8. Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố

Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg, sẽ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Thời gian thực hiện thí điểm là 10 năm, bắt đầu từ ngày 10-6-2019. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10-1-2019.


Mai Hương
.
.
.