Những chỉ đạo nổi bật của Chính phủ trong tuần

Chủ Nhật, 23/02/2020, 08:10
Trong tuần từ ngày 17 đến 21/2, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo, quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề doanh nghiệp, kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.


Thủ tướng chỉ thị tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ thị nêu rõ: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, yêu cầu các cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong việc đối chiếu, ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp chưa có trong các mã ngành kinh doanh theo quy định hiện hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp...

Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng 3 Tập đoàn, Tổng Công ty

Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CPthực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 3 tập đoàn, tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chính phủ ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 với các nhiệm vụ cụ thể gồm: Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển KTXH phù hợp

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tác động của tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại; chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nguyên tắc lập quy hoạch bảo vệ môi trường yêu cầu quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa đối tượng, nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và đối tượng, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Bỏ quy định xử phạt một số hành vi tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP

Chính phủ ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Trong đó, bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định...

Cơ cấu lại ngành dịch vụ để phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". 

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 - 2021. Trong đó, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33) và quy định của pháp luật.

Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33; phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh. Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn

Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040. Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia

Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát là xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới và chương trình quan trắc đa dạng sinh học để đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.

K.H. (theo Chinhphu.vn)
.
.
.