Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”:

Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng đã được chuyển đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ Bảy, 23/03/2013, 18:35
Đa số ý kiến nhân dân hoan nghênh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố.

Đánh giá sau gần 3 tháng triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (từ 2/1 đến 15/3/2013), Ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết: Tính đến ngày 15/3 đã có 546 thư góp ý trực tiếp gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua đường bưu điện và email; đã có 863.395 lượt người tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm và gửi thư góp ý ở các cơ quan, tổ chức, địa phương với 162.107 ý kiến góp ý vào Dự thảo; đã có 33.993 lượt với 1.593 ý kiến góp vào Dự thảo trên trang Dự thảo online http://www.duthaoonline.quochoi.vn; đã có 810 bài về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên các báo trong nước, nước ngoài và địa phương.

Đa số ý kiến nhân dân hoan nghênh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố.

Qua tổng hợp bước đầu, Ban Biên tập nhận thấy nhân dân đóng góp ý kiến về tất cả nội dung của Dự thảo. Trong đó đa số ý kiến tán thành với nội dung Điều 4 trong dự thảo vì đã thể hiện súc tích, rõ ràng và sát với Cương lĩnh nhưng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng… nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội. Về phương thức thực hiện quyền lực nhà nước.

Các ý kiến tán thành với việc quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước nhưng đề nghị làm rõ nội hàm của dân chủ trực tiếp và cách thức để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp, quy định cụ thể để tăng cường hơn tính hiệu quả của dân chủ đại diện, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử và bộ máy nhà nước.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: hầu hết các ý kiến góp ý đều đồng tình với quy định của Dự thảo, đánh giá cao các quy định về quyền con người vì đã thể hiện và nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp trong việc tôn trọng quyền con người, đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, thể hiện được nội dung các Công ước quốc tế về quyền con người và Việt Nam là thành viên…

Xuân Luận
.
.
.