Nhiều đơn vị chống đối, không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Thứ Năm, 10/05/2018, 09:19
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2015, do KTNN tổ chức ngày 8-5 tại Hà Nội.

Ông Lê Anh Dũng, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN cho biết, chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN, đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật như một số tờ khai hải quan có hiện tượng tẩy xóa giá trị lô hàng nên khi sử dụng tài liệu này KTNN không thể so sánh, đánh giá chính xác giá trị của lô hàng giữa giá nhập và giá bán nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán. 

Trong thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy số kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)… làm thất thu ngân sách Nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật...

Bên cạnh đó, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân hàng trăm vụ việc; trong đó, riêng năm 2017, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng và gửi một số báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội... 

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN chưa đầy đủ và đồng bộ; việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát nhìn chung còn hạn chế; cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đặc biệt là hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Theo ý kiến của Ths. Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), KTNN cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN. 

Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bổ sung một số quy định liên quan như: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh của KTNN; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…

TS. Trần Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và Tổng hợp - Thanh tra Chính phủ đề xuất ba giải pháp nhằm khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN và cơ quan thanh tra, trong đó nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật KTNN, Luật Thanh tra cần phân định rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của KTNN và cơ quan thanh tra. 

Cơ quan thanh tra chỉ thực hiện thanh tra khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc những vụ việc cơ quan KTNN thấy cần đi sâu để làm rõ sai phạm...

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định sẽ ghi nhận và tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu tại Hội thảo tiếp tục hoàn thiện rà soát, đánh giá Luật nhằm đưa ra những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Phạm Huyền
.
.
.