Nhiều chính sách nâng cao đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:56
Đồng bào Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người sinh sống, chiếm gần 8% dân số toàn vùng, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Những ngày này, bà con đang nô nức, phấn khởi đón Tết cổ truyền của dân tộc Chôl Chnăm Thmây năm 2016.


Năm nay, mặc dù bà con phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất như xâm nhập mặn, khô hạn ở nhiều nơi... nhưng nhờ lúa bán được giá khá cao, nên không khí đón Tết rất vui tươi, đầm ấm.

Có thể nói có được không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2016 vui tươi, ấm cúng hiện nay là nhờ sự tích cực nỗ lực phấn đấu tăng gia sản xuất của từng hộ gia đình đồng bào dân tộc cùng với sự quan tâm đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện rất lớn của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương chính sách đặc biệt dành cho đồng bào dân tộc trong thời gian qua.

Theo ông Sơn Minh Thắng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, năm 2015 vừa qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Các địa phương đã tiếp tục triển khai nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các ấp, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới từ các Chương trình: 135, xây dựng nông thôn mới, mục tiêu Quốc gia giảm nghèo...

Múa Xà-dăm trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.

Các chính sách hỗ trợ định canh định cư theo Quyết định 33; hỗ trợ giải quyết đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Quyết định 29, Quyết định 755; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn theo Quyết định 102; cấp không thu tiền ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 2472, chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 18 và Quyết định 56... tiếp tục được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và triển khai các mô hình hợp tác sản xuất gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới trong vùng được đẩy mạnh.

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các giá trị văn hóa truyền thống được chính quyền các cấp tạo điều kiện phát huy tốt thông qua các lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc. Công tác phát triển giáo dục và đào tạo luôn được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc; bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Khmer và cán bộ, chiến sĩ công tác ở vùng dân tộc, biên giới luôn được chú trọng. Việc học hành thi cử các lớp ngữ văn Khmer, Sơ-Trung cấp Phật học, Pali cho tăng sinh học tại các điểm chùa được thực hiện tốt. Chính sách y tế, cơ sở vật chất và trang thiết bị các trạm y tế vùng dân tộc được tăng cường, củng cố và phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc từng bước được củng cố, kiện toàn, việc thực hiện các chính sách về cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng. Trên địa bàn hiện có trên 17.000 cán bộ công chức, khoảng 19.235 đảng viên là người dân tộc.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa qua, tỷ lệ cán bộ người dân tộc tham gia vào cấp ủy được thực hiện tốt, nhất là tỷ lệ cấp ủy trẻ, nữ. Kết quả đại hội, cấp Trung ương có một đồng chí tái đắc cử Ủy viên Trung ương và một đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương là người dân tộc Khmer. Cấp tỉnh, trong tổng số 9 tỉnh, thành Nam Bộ có đông đồng bào dân tộc Khmer đã có tới 1.128 cán bộ được bầu vào cấp ủy các cấp.

Nhờ tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà đời sống của đồng bào dân tộc trong vùng tiếp tục được nâng lên. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc đều có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 92%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 80%, có nơi trên 90%.

Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm bình quân từ 3-4%/năm, có nơi giảm 5%/năm. Đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm hằng năm nhưng còn ở mức cao. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc theo chuẩn cũ giai đoạn 2011-2015 của toàn khu vực chiếm trên 13%.

Để tiếp tục hỗ trợ nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc, ngay những tháng đầu năm 2016, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ đồng bào dân tộc. Ủy ban Dân tộc đã làm tham mưu cho Đảng và Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc, tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 68 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đề xuất các chính sách dân tộc cho giai đoạn tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án, chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn trung hạn 2016-2020 với nhiều nội dung có tính chất toàn diện, đa mục tiêu, dài hạn theo hướng giảm nghèo đa chiều. 

Các chính sách tập trung ưu tiên cho lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, thu hẹp khoảng cách sự chênh lệch, nâng cao nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngọc Thiện
.
.
.