Nhiều băn khoăn xung quanh quy định độc thân mới được chuyển giới

Thứ Bảy, 18/11/2017, 08:19
Đó là nội dung được nhiều chuyên gia trao đổi tại cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) do Bộ Y tế cùng nhiều đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 17-11.

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam có gần 400.000 người mong muốn CĐGT. Vì thế, việc xây dựng Dự thảo Luật CĐGT nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn CĐGT được sống với giới tính thật của mình.

Dự thảo Luật quy định người muốn CĐGT phải có các điều kiện: đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong CĐGT là việc lợi dụng việc CĐGT để thay đổi nhân dạng nhằm trốn tránh pháp luật.

Viện Nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường cho biết, đến tháng 10-2017, đã có 71 quốc gia hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Bộ luật Dân sự của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã hợp thức hóa việc CĐGT, nhưng vẫn cần có thêm luật chuyên ngành hay các qui định khác để cụ thể hóa quyền CĐGT. Thái Lan, Philippines đang bắt đầu nghiên cứu cho phép người chuyển giới thay đổi trên giấy tờ pháp lý.

TS. Cianan B. Russell – Mạng lưới người chuyển giới châu Á –Thái Bình Dương cho biết, những trở ngại pháp lý liên quan tới việc đáp ứng các điều kiện của quá trình thừa nhận giới tính khá phổ biến, như quy định về độ tuổi, tình trạng hôn nhân và các điều kiện can thiệp y học. 

Mà trẻ em đã có thể tự xác định giới tính từ khi mới 2-3 tuổi, nhiều trẻ dậy thì trước 18 tuổi, như trường hợp thay đổi giới tính nhỏ tuổi nhất ở Argentina là 5 tuổi. Vì thế, yêu cầu người muốn CĐGT đủ 18 tuổi mới được tiếp cận các dịch vụ về định giới sẽ đẩy trẻ em chuyển giới phải trưởng thành sớm. Áp lực tâm lý, bức bối vì không được sống với đúng giới tính khiến họ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường, thậm chí là tự tử.

Về quy định người độc thân mới được CĐGT của Dự thảo Luật CĐGT ở Việt Nam, ông Cianan cho rằng vô lý vì có thể ép buộc một gia đình hạnh phúc phải chia tay. Mà hôn nhân chỉ là hợp đồng và chỉ hợp lệ vào thời điểm ký kết mà thôi, sau đó họ vẫn được quyền sống với bản thân chứ không nhất thiết phải chịu trách nhiệm với những vấn đề đã ký kết trong quá khứ.

Ông Cianan B. Russell cũng cho rằng, một số nước yêu cầu khi CĐGT phải đến BV và phải đáp ứng yêu cầu độc thân mới được phẫu thuật chuyển giới là không phù hợp, vì quan hệ giữa BV và người chuyển giới là tự nguyện, không nên bị những thủ tục hành chính bó buộc. 

“Hiện nay còn tồn tại những người vừa liên giới tính, vừa là chuyển giới. Nếu đặt ra thuật ngữ “giới tính sinh học hoàn thiện” như trong Dự thảo thì sẽ loại trừ họ khỏi cơ hội phẫu thuật y tế để sống với mong muốn của mình. Hơn nữa, 95% chúng ta chưa bao giờ thực hiện một xét nghiệm nhiễm sắc thể, mà lại yêu cầu người muốn chuyển giới phải làm thì chính là tạo ra khoảng cách mất công bằng giữa người chuyển giới và mọi người” - ông Cianan nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần có khái niệm pháp lý về giới tính nam, giới tính nữ và giới tính khác. Dự thảo chưa thấy có qui trình để người muốn chuyển giới khiếu nại cơ sở y tế khi cần và làm sao để các hồ sơ y tế được bảo vệ quyền riêng tư.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, người CĐGT phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Do đó, quy định đủ tuổi 18 ở Việt Nam là hợp lý để một người trưởng thành về mặt sinh lý có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về sự thay đổi thân thể của mình. Việt Nam cũng không công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, điều kiện về độc thân mới được công nhận CĐGT phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật về hôn nhân của Việt Nam.

“Dự thảo Luật CĐGT cũng có 2 phương án là chỉ cần sử dụng hooc-môn liên tục trong hai năm, hoặc thực hiện can thiệp ngoại khoa sẽ được công nhận là người CĐGT. Việt Nam cũng không bắt buộc phải phẫu thuật CĐGT mới được công nhận CĐGT” - ông Nguyễn Huy Quang cho biết.

Thanh Hằng
.
.
.