Phòng, chống "diễn biến hòa bình"

Nhận diện và phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

Thứ Hai, 24/11/2014, 10:25
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Liên quan vấn đề này, Báo CAND xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, GS, TS Phạm Ngọc Hiền về “Nhận diện và phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Bài viết nêu 4 vấn đề cơ bản về khái niệm, lịch sử hình thành, các biểu hiện và giải pháp phòng chống.

Báo CAND mong nhận được sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý, cũng như các cây viết chuyên và không chuyên, đóng góp cho chuyên mục “Phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Bài viết xin gửi về hộp thư thoisucand@gmail.com hoặc Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, Hà Nội.

1. Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không phải bây giờ, cũng không phải chỉ có ở Việt Nam, mà có từ trong phong trào Cộng sản quốc tế và ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) khác. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội ở các nước XHCN thường xuất hiện khi mà tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Nói cách khác, khi mà cách mạng thế giới, cách mạng trong nước có những “khúc quanh lịch sử” thì trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội sẽ xuất hiện những đối tượng cơ hội chính trị và nảy sinh vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như: Phái Latxan, phái Công Liên, phái Blongxki, phái Bruđông, phái Bacunin… Những phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn công khai, quyết liệt chống lại Học thuyết Mác về XHCN khoa học. Đó là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành những “con chiên ngoan đạo” của “Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh” hay “Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.

Vào đầu những năm 60, 70 của thế kỷ XX, ở Liên Xô xuất hiện “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”, một trào lưu tư tưởng - chính trị đối lập, thù địch với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Những người theo “Chủ nghĩa xét lại”, đứng đầu là Khơrutsốp (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô), đã phê phán đòi “xem lại”, “xét lại” Học thuyết Mác-Lênin. Trong thời kỳ đó, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sỹ, phóng viên báo chí, triết gia, sỹ quan quân đội…; trong đó có những người là cán bộ trung, cao cấp theo “Chủ nghĩa xét lại”. Sau đó, ở nước ta cũng đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi theo “Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền, sô-vanh nước lớn” chống lại Đảng, Nhà nước ta. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, ở nước ta lại xuất hiện các đối tượng cơ hội chính trị. Thực chất đó là những cán bộ, đảng viên đã sa vào “vũng bùn”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ góc độ chính trị của Việt Nam cho thấy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ Nhà nước XHCN Việt Nam. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường do những nguyên nhân: sự tác động từ hoạt động tuyên truyền thù địch, sự tác động tiêu cực của diễn biến tình hình thế giới (như sự sụp đổ của chế độ Nhà nước XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay từ các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng mùa xuân Ả Rập”…) và sự tác động bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phân hóa giàu nghèo gia tăng dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội. Song, trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng - chính trị không vững vàng, do bất mãn hay do sự buông lỏng công tác quản lý, giáo dục của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội…

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trên nhiều mặt như: nhận thức lệch lạc về tư tưởng, chính trị; sự sa đọa về đạo đức, lối sống… Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau; từ sự suy thoái về tư tưởng - chính trị có thể dẫn tới sự tha hóa về đạo đức, phẩm chất lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống có thể dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng - chính trị.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội. Nguy hiểm nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền Nhà nước XHCN. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc chính biến ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu trước đây bắt nguồn từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô cũng như Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở một số nước Đông Âu.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể nảy sinh ở những cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp. Đáng chú ý hơn là những cán bộ cấp cao, cán bộ có nhiệm vụ hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt nguy hiểm là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những cán bộ cấp cao giữ vai trò “cầm lái con thuyền đất nước”. Sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết gắn liền với tên tuổi của Gorbachev (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên Xô), hay Enxin (nguyên Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư Thành ủy Moskva) và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu cơ quan Đảng Cộng sản, chính quyền ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô hoặc giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ Liên Xô. Có thể nói, đó là những đảng viên Cộng sản cấp cao “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành kẻ phản bội lại Đảng Cộng sản Liên Xô, chế độ Xô viết và Phong trào Cộng sản trên toàn thế giới.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” là Chiến lược của Chủ nghĩa đế quốc nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, tác động chuyển hóa các nước XHCN đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù không phải là một, song “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại với “diễn biến hòa bình”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả nảy sinh từ phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy cái gọi là “cách mạng màu” ở trong các nước XHCN cũng như các nước đối lập, đối đầu với Mỹ và đồng minh. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về nhận thức sớm muộn cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi hành vi, hành động chống đối về chính trị của một cá nhân hay một tổ chức. Phản bác, phủ định XHCN có thể dẫn tới có âm mưu, hoạt động chống phá chế XHCN dưới hình thức này hay hình thức khác. Ca ngợi chủ nghĩa tư bản rồi cũng đến lúc tin theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là vấn đề có tính quy luật. Do vậy, cần phải hết sức cảnh giác thấy được tính chất nguy hại của vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

(còn tiếp)
P.N.H.
.
.
.