Nhân dân cần cán bộ có trách nhiệm, có những hành động mạnh mẽ trong thực tế

Thứ Hai, 28/03/2016, 12:00
Thảo luận về công việc của chính mình tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sáng nay (28-3) tại hội trường, phiên làm việc của Quốc hội dường như thiên nhiều về cảm xúc, khiến người điều hành là Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải đề nghị đại biểu góp ý về các vấn đề cần giải quyết, các bài học nhiều hơn. 

Là một nhiệm kỳ Quốc hội nhiều dấu ấn, từ việc thông qua Hiến pháp 2013, xây dựng và sửa đổi hơn 100 luật và Bộ luật – khối lượng đồ sộ nhất từ trước tới nay, tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng Quốc hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.

Quốc hội dành thời gian để nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động của mình trong phiên làm việc sáng 28-3.

Một trong những hạn chế khiến các đại biểu trăn trở là về công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, hay theo đại biểu Trương Thị Huệ là tình trạng “thủ kho to hơn thủ trưởng” – khi các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư còn “to” hơn cả luật. 

Nhiều Luật vừa được ban hành đã phải sửa đổi, hay ban hành nhưng không thể thực hiện vì thiếu nguồn lực, như chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi (nâng từ mức 180 nghìn đồng/tháng lên mức 270 nghìn đồng/tháng, nhưng không thể thực hiện do thiếu kinh phí, phải điều chỉnh) hay chính sách hỗ trợ nhà cho người có công. “Nhiều gia đình khi nghe tin vay tiền để xây nhà, giờ vẫn chưa được hỗ trợ để trả, thậm chí có nhiều người đã qua đời” – đại biểu Khúc Thị Duyền trăn trở.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng chậm trễ, xin hoãn hay gửi văn bản nghiên cứu muộn của các cơ quan soạn thảo. Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu cũng chưa thực sự thỏa đáng, dẫn đến chất lượng luật được xây dựng chưa cao.

Đại biểu Huỳnh Minh Diệu (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn về hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là của Hội đồng dân tộc và cá ủy ban. Đại biểu cho rằng nội dung giám sát còn dàn trải, chồng chéo, báo cáo giám sát không được Quốc hội xem xét thảo luận và cũng ít được các đại biểu nghiên cứu, khiến hiệu quả giám sát rất thấp, gây lãng phí, phiền hà.

Nhiều đại biểu cũng chia sẻ băn khoăn hoạt động giám sát chưa đi vào chiều sâu, mới dừng lại ở nghiên cứu văn bản, “cưỡi ngựa xem hoa”, qua giám sát không khen ai, không chê ai, không ai bị kỷ luật, xử lý “hậu” giám sát của Quốc hội. Các đại biểu cũng trăn trở về năng lực, bản lĩnh của chính mình, khi cho rằng kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri khi để tình trạng nhiều kỳ họp trôi qua nhưng nhiều việc chưa được giải quyết, khiến nhân dân nản lòng, đại biểu có cảm giác lực bất tòng tâm; chưa kể đến có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất lòng tin của cử tri cả nước. 

“Đại biểu Quốc hội phải có dũng khí để nói lên tiếng nói của dân… Có đại biểu chưa thực hiện được lời hứa với cử tri, với nhân dân, các đại biểu này đã và sẽ được chính cử tri đánh giá và sàng lọc” – đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định.

Đất nước vẫn đứng trước rất nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội, chủ quyền lãnh thổ, đại biểu Lê Nam bày tỏ “rời nghị trường vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân nợ nước”. “Nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ đã không đưa được vào pháp luật. Đại biểu “phát biểu thì rất hay, nhưng tiếp thu thì rất gay, nên cho phép giữ nguyên như dự thảo”. Luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng về tình trạng nhờn luật và một bộ phận trong xã hội vẫn cho mình đứng trên pháp luật. Nhân dân chán lắm rồi cán bộ chỉn chu, chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân cần những cán bộ có đủ quyền hành, có ràng buộc về trách nhiệm và có những hành động mạnh mẽ trong thực tế” – đại biểu Lê Nam chia sẻ.

Vũ Hân
.
.
.