Bộ Công an lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND:

Người tố cáo được nhận thông báo kết luận về nội dung tố cáo

Thứ Bảy, 20/04/2013, 16:31
Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, có các điều, khoản giao Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong QĐND và CAND nhằm quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sỹ Công an có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm của cơ quan, thủ trưởng, cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc bảo vệ người tố cáo, giải quyết tố cáo trong CAND.

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và đưa Luật Tố cáo đi vào thực tiễn, Bộ Công an vừa xây dựng “Dự thảo Nghị định quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND”. Để làm rõ những vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Ma Văn Kỳ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết, Dự thảo Nghị định quy định nội dung tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ như thế nào?

Thiếu tướng Ma Văn Kỳ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Thiếu tướng Ma Văn Kỳ: Dự thảo Nghị định này quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Chủ thể có quyền tố cáo gồm: công dân hoặc cán bộ, chiến sỹ Công an. Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, dự thảo Nghị định cũng quy định Thủ trưởng các cấp trong CAND, từ Bộ trưởng Bộ Công an đến Trưởng Công an cấp phường đều có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sỹ do mình quản lý trực tiếp. Nếu người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị Công an sẽ do Thủ trưởng Công an cấp trên trực tiếp giải quyết.

Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong việc bố trí trụ sở, hoặc địa điểm và cán bộ tiếp công dân để tiếp nhận thông tin tố cáo theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của Thanh tra Công an các cấp trong việc tiếp nhận, đề xuất xử lý thông tin tố cáo. Trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đơn tố cáo và các tài liệu có liên quan kèm theo (nếu có) cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu quá thời hạn mà tố cáo không được giải quyết, hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật thì chuyển đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo xem xét, xử lý theo quy định của Luật Tố cáo.

PV: Về nội dung tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự được quy định như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Ma Văn Kỳ: Theo quy định, lực lượng Công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Dự thảo Nghị định quy định theo hướng: Thủ trưởng cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự, có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp quản lý. Các cơ quan, đơn vị Công an khác liên quan có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước mà nội dung có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan khác ngoài CAND thì phải trao đổi với cơ quan chức năng liên quan để thống nhất phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp giải quyết.

Đối với cán bộ, chiến sỹ Công an có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nào thì người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý về lĩnh vực đó giải quyết. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an nơi quản lý cán bộ, chiến sỹ Công an bị tố cáo có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu. Các vụ việc tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở xử lý ngay thì tiến hành xác minh, áp dụng biện pháp cần thiết để đình chỉ, kịp thời lập biên bản và ra quyết định xử lý hành vi vi phạm.

PV: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong CAND có thông báo công khai kết luận cho người tố cáo biết không, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Ma Văn Kỳ: Dự thảo Nghị định quy định, lực lượng CAND chọn hình thức công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo đối với cán bộ, chiến sỹ Công an bằng việc công bố tại cuộc họp cơ quan - nơi cán bộ, chiến sỹ đó công tác, gồm đầy đủ các thành phần quy định trong Luật Tố cáo để bảo đảm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước về cơ cấu tổ chức và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an. Người tố cáo được nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo nếu có yêu cầu.

Đối với kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự thì việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo thực hiện theo hai hình thức: đó là niêm yết tại trụ sở làm việc, nơi tiếp công dân của cơ quan Công an giải quyết tố cáo hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc quy định như trên phù hợp với quy định của Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.

PV: Đồng chí có thể cho biết, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo được quy định như thế nào trong Nghị định này?

Thiếu tướng Ma Văn Kỳ: Nội dung về bảo vệ người tố cáo trong Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo đã quy định tương đối cụ thể, chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp cho lực lượng CAND nên dự thảo Nghị định này chỉ quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong CAND; trách nhiệm của Thủ trưởng, cán bộ, chiến sỹ Công an các cấp khi nhận được yêu cầu của người tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!

Nguyễn Hưng – Phương Thảo (thực hiện)
.
.
.