Người thân không được làm vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp Nhà nước

Thứ Sáu, 15/11/2019, 15:52
Bổ sung quy định về hộ kinh doanh, sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ một số thủ tục không còn cần thiết ....là những nội dung được Chính phủ trình Quốc hội tại dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình Quốc hội dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 15-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Doanh  nghiệp (sửa đổi) bãi bỏ 2 điều, bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về hộ kinh doanh). 

Đăng ký doanh nghiệp không cần hồ sơ giấy 

Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

Lần sửa đổi này cũng bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi thời hạn góp vốn điều lệ bằng máy móc, thiết bị, tài sản khi thành lập doanh nghiệp theo hướng quy định thời hạn 90 ngày phải góp đủ vốn điều lệ không bao gồm thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Sửa đổi khác là mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 3% để cổ đông thực hiện quyền quan trọng, như: tiếp cận thông tin về hoạt động công ty, triệu tập họp đại hội đồng cổ đông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Dự thảo cũng giao quyền cho chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (không phải là doanh nghiệp nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, thay vì bắt buộc doanh nghiệp luôn phải thành lập ban kiểm soát.

Ngoài ra còn bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn. Như, bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), sửa đổi quy định có liên quan về phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp của công ty TNHH và công ty cổ phần không phải đại chúng.

Về việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm quản lý nhà nước đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, kiểm soát chữ ký số công cộng, bảo đảm tính pháp lý của chữ ký điện tử để có thể giải quyết các tranh chấp pháp lý (nếu có) xảy ra liên quan đến vấn đề này.

Người thân không được làm vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp Nhà nước

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước "sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết" của doanh nghiệp đó. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Theo đó, doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, các sửa đổi nội dung này nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu chi phối của nhà nước theo hướng: tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của doanh nghiệp. 

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng), bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp, sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do Nhà nước nắm giữ (cổ phần 'vàng') theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi,...

Thừa nhận “hộ kinh doanh”

Đáng chú ý, dự thảo luật có riêng một chương về hộ kinh doanh. Chương này tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Quy định này được cho là đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh. Như, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty. 

Thẩm tra về việc này, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh


Thu Thuỷ
.
.
.