Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 – 24/4/2016):

Người cộng sản “vững về tính đảng và tích cực phi thường”

Thứ Bảy, 23/04/2016, 08:33
Trong thư giới thiệu Hà Huy Tập với Lê Hồng Phong ngày 10/2/1932, Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản đã có sự đánh giá rất cao về Hà Huy Tập: “là một đồng chí rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị, được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm trong công tác quần chúng”.

Sau đó, Quốc tế Cộng sản tiếp tục gửi cho đồng chí Lê Hồng Phong, khẳng định lại những phẩm chất tốt của Hà Huy Tập là “một đồng chí trung thành, vững về tính đảng và tích cực phi thường”.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở nông thôn, thuộc một vùng đất cằn cỗi, Hà Huy Tập và gia đình cũng trải qua cảnh thiếu thốn vất vả như mọi gia đình khác. Phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 từ miền Trung lan ra Hà Tĩnh. Nông dân Cẩm Xuyên cùng nông dân trong tỉnh rầm rộ kéo lên tỉnh đưa yêu sách, đòi giảm sưu, hoãn thuế.

Hình ảnh những người nông dân trong làng rách rưới, mang áo tơi, đội nón lá, kéo nhau đi đấu tranh, bừng bừng nỗi hờn căm, phẫn uất, đã để lại trong lòng cậu bé Hà Huy Tập những ấn tượng không bao giờ quên. Thừa hưởng được khí tiết cứng cỏi ở người cha, một nhà nho yêu nước, ngay từ nhỏ, Hà Huy Tập đã tỏ rõ một tính cách cương trực, thẳng thắn, có phản ứng tức thời với mọi điều ngang trái, sẵn sàng bênh vực những người nghèo khổ, bị áp bức.

Bản tính đó cùng với truyền thống quê hương và sự giáo dục của gia đình là những nhân tố sớm đưa anh dấn thân vào con đường cách mạng, đấu tranh chống lại mọi áp bức, bất công.

Khu Di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Có thể nói con người Hà Huy Tập sinh ra là để làm cách mạng. Với bản tính cứng cỏi, đầy nhiệt huyết, có sức phản kháng tự nhiên đối với mọi áp bức, bất công, anh đến với con đường đấu tranh cách mạng như là một lôgíc tất yếu. 

Con đường của một thanh niên yêu nước ở thuộc địa, có tinh thần dân tộc chân chính trước sau cũng sẽ dẫn đến với chủ nghĩa cộng sản, bởi vì chỉ có lý tưởng cộng sản mới thống nhất được các mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Được sự giúp đỡ của tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và Lãnh sự quán Liên Xô tại Đại Liên, Hà Huy Tập được giới thiệu sang học tập ở Trường Đại học Phương Đông, khóa 1929-1932. Đây là một cơ hội lớn đối với Hà Huy Tập để anh có điều kiện trang bị một cách hệ thống về chủ nghĩa Mác-Lênin, tạo cơ sở khoa học cho anh củng cố và nâng cao niềm tin vào thắng lợi của lý tưởng cộng sản.

Nhờ sẵn trí thông minh, lại giỏi ngoại ngữ, anh tiếp thu rất nhanh tư tưởng và lý luận của các nhà kinh điển Mác-Lênin, đường lối cơ bản của Quốc tế Cộng sản về cách mạng thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản. Vừa học lý luận, anh vừa tranh thủ thâm nhập thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô, đi thực tập, học nghề ở nhà máy, vận dụng lý luận đã học được để nhìn lại diễn biến của phong trào cách mạng Việt Nam đương đại, lịch sử ra đời và đấu tranh oanh liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương, viết nhiều bài đăng trên báo chí quốc tế lúc bấy giờ, nhất là Tạp chí Bônsơvích - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời tham gia soạn thảo nhiều tài liệu quan trọng khác.

Chính nhờ những thành tích xuất sắc đó, Hà Huy Tập được đánh giá là “được đào tạo tốt về chính trị, là một chiến sĩ tích cực của Đảng” và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngay khi chưa tốt nghiệp, Hà Huy Tập đã được Quốc tế Cộng sản dự kiến cử về tăng cường cho Lê Hồng Phong.

Trong thư giới thiệu Hà Huy Tập với Lê Hồng Phong ngày 10/2/1932, Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản đã có sự đánh giá rất cao về Hà Huy Tập: “là một đồng chí rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị, được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm trong công tác quần chúng”.

Một tháng sau, Quốc tế Cộng sản lại gửi cho Lê Hồng Phong một thư tiếp, khẳng định lại những phẩm chất tốt của Hà Huy Tập, “một đồng chí trung thành, vững về tính đảng và tích cực phi thường”. 

Hành trình về nước của Hà Huy Tập khá gian nan và kéo dài mãi đến đầu tháng 8/1933, anh và Nguyễn Văn Dựt mới gặp được Lê Hồng Phong ở Quảng Châu, đi tới quyết định triệu tập một hội nghị Đảng vào tháng 3/1934 để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Tại hội nghị, Hà Huy Tập được phân công đúng với sở trường của mình: phụ trách tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích (sau chuyển thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương). Hội nghị cũng quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài mở rộng vào tháng 6/1934 để bàn về các công việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ nhất sẽ họp vào mùa xuân năm 1935.

Đọc toàn bộ các văn kiện và Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất của Đảng, ta có thể thấy được khối lượng công việc của ban trù bị Đại hội do Hà Huy Tập phụ trách đã hoàn thành lớn lao như thế nào, dù ta thấy nó không tránh khỏi những nhược điểm và hạn chế.

Hà Huy Tập về tới Nam Kỳ vào lúc không khí chính trị cả nước đang có sự chuyển động lớn. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử, lên cầm quyền. Thực hiện chương trình tranh cử của Mặt trận, Chính phủ, Mặt trận nhân dân Pháp thi hành một vài cải cách chính trị, trong đó có vấn đề “đại xá tù chính trị ở thuộc địa”.

Ngày 13 và 14 tháng 3/1937, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ nhằm thống nhất các tổ chức đảng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Vào thời điểm này, Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã lập xong xứ ủy, riêng Trung Kỳ thì chưa (Thanh, Nghệ, Tĩnh lúc đó vẫn đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ) nên chưa cử đại biểu đến dự được. Phải đến tháng 9/1937, Hà Huy Tập mới thực hiện được cuộc Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, có mặt đại biểu của cả ba xứ ủy Bắc, Trung, Nam. Ban Chỉ huy ở ngoài cũng cử Phùng Chí Kiên về dự và tham gia Ban Chấp hành Trung ương ở trong nước.

Theo báo cáo của Hà Huy Tập gửi Quốc tế Cộng sản (10/9/1937), Ban Chấp hành Trung ương lúc này có 11 thành viên (2 đồng chí ở nước ngoài và 9 đồng chí ở trong nước). Ban Thường vụ có 5 đồng chí do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.

Như vậy chỉ một năm, từ khi về nước, Hà Huy Tập đã hoàn thành việc thành lập và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương với các thành viên là những cán bộ đảng đã trải qua dày dạn đấu tranh và được đào tạo cơ bản về lý luận, ở trong tù hoặc ở Trường Đại học Phương Đông, xứng đáng là những người tiêu biểu cho trí tuệ và kinh nghiệm đấu tranh của Đảng, đủ sức lãnh đạo Đảng và đưa phong trào cách mạng của quần chúng tiến lên cao trào mới.

Ban Chấp hành Trung ương mới đứng đầu là Hà Huy Tập một mặt phải tiến hành đấu tranh chống lại hoạt động chống phá điên cuồng của kẻ thù, mặt khác lại phải đối phó với cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, uốn nắn lại những khuynh hướng tả, hữu có hại cho sự nghiệp của Đảng ở thời kỳ chuyển hướng về chiến lược và sách lược đấu tranh, từ cũ sang mới, có nhiều vấn đề không thể ngay một lúc hoàn toàn nhất trí được với nhau, trong Đảng ta nói riêng và trong phong trào cộng sản quốc tế hồi đó nói chung.

Một Hội nghị Trung ương đã được triệu tập, họp trong hai ngày 29 và 30/3/1938 do Hà Huy Tập chủ trì, với sự tham gia của Lê Hồng Phong (mới từ nước ngoài chuyển hẳn về trong nước, Phùng Chí Kiên được cử ra thường trực ở nước ngoài), Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, và một số đồng chí khác. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Về mặt nhân sự, Hội nghị đã bầu Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư mới của Đảng.

Như vậy, đồng chí Hà Huy Tập đã giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng gần hai năm (7/1936 – 3/1938). Công lao của đồng chí từ khi về nước là đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức đảng ở trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời từ tháng 10/1936, triệu tập và chủ trì ba hội nghị Trung ương, tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới.

Đặc biệt, đến trước Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Ban Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau.

TS Nguyễn Trung Kiên
.
.
.