Người Công an văn hóa

Chủ Nhật, 08/10/2006, 08:17

Một chiến sĩ Công an có văn hóa ở bên cạnh Hồ Gươm phải là người ý thức được rằng, mọi công hay việc tốt ta đang làm hôm nay đều là sự tiếp nối mạch chảy phong phú và đáng tự hào từ các thế hệ đi trước.

Thực hiện Kế hoạch 09 của Bộ trưởng Bộ Công an và Kế hoạch số 41 của Giám đốc Công an Hà Nội về tổ chức cuộc vận động "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xây dựng hẳn một hệ thống tiêu chí Người Công an Hoàn Kiếm có văn hóa.

Có lẽ đây là đơn vị đầu tiên trong lực lượng CAND cả nước bắt tay một cách nghiêm túc vào việc xây dựng "thương hiệu" đích thực cho hình ảnh văn hóa của người Công an nhân dân, những "công bộc" sống và làm việc theo phương châm do dân, vì dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

Những tiêu chí Người Công an Hoàn Kiếm có văn hóa đã bám sát rất chặt chẽ tinh thần những lời dạy của Bác Hồ vĩ đại về người Công an của nhân dân. Đó là:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

2. Có ý thức trách nhiệm cao.

3. Có lòng tự hào, ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy truyền thống của Công an quận.

4. Có tư duy và tác phong hiện đại.

5. Hết lòng phục vụ nhân dân.

6. Đoàn kết và thân ái với đồng chí đồng đội.

Đó quả thực là những tiêu chí đúng đắn và có thể gợi mở cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Thứ nhất, có đức mới vực được nghề. Là người đại diện cho luật pháp, tất nhiên các chiến sĩ Công an phải là những tấm gương về việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Nói gọn là phải gương mẫu trong việc giữ gìn, duy trì kỷ cương luật pháp. Làm được như thế thì danh mới chính và ngôn mới thuận. Làm người Công an nhân dân nếu muốn hoàn thành thực tốt chức phận của mình thì không chỉ giỏi nghiệp vụ, mà còn phải thấm nhuần những tiêu chí đạo đức cách mạng. Bác Hồ từng dạy: "Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt".

Thứ hai, không có tinh thần trách nhiệm cao, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Công việc mà người chiến sĩ Công an phải đảm đương không bao giờ là đơn giản và dễ dàng cả. Trong rất nhiều trường hợp, nếu tinh thần trách nhiệm không cao ta dễ xử lý công việc theo lối giản đơn hóa, qua loa cho xong chuyện. Ta dễ trở nên vô cảm trước những bức xúc của đời sống, của người dân. Vì thế, trách nhiệm hàng đầu - đó là phương châm "gối đầu giường" của người chiến sĩ Công an có văn hóa.

Thứ ba, phát huy truyền thống. Theo cảm nhận của người viết bài này, trong trường hợp đối với Công an quận Hoàn Kiếm, cần đặt tiêu chí này lên vị trí thứ nhất. Bởi vì sao? Bởi đây là hệ thống tiêu chí dành cho người chiến sĩ Công an ở khu vực linh thiêng nhất, cổ kính nhất của Thủ đô nếu nhìn từ góc độ lịch sử, nơi có Hồ Gươm và sự tích "hoàn kiếm".

Có một ý này mà tôi rất thích và hay nhắc đi nhắc lại, lịch sử không bắt đầu từ chúng ta và cũng sẽ không kết thúc ở chúng ta. Một chiến sĩ Công an có văn hóa ở bên cạnh Hồ Gươm phải là người ý thức được rằng, mọi công hay việc tốt ta đang làm hôm nay đều là sự tiếp nối mạch chảy phong phú và đáng tự hào từ các thế hệ đi trước. Và nghĩa vụ của ta là không được làm hoen ố những "di sản vàng" đã được tạo dựng bởi những người đi trước. Tiêu chí này có thể được diễn giải ngắn gọn hơn: Tiếp bước cha anh.

Thứ tư, về tư duy và tác phong hiện đại. Tôi nghĩ rằng nội hàm của tiêu chí này rất rộng. Làm nghề nào muốn tốt thì cũng phải tinh thông mọi ngón chuyên môn. Thời cuộc thế nào thì đòi hỏi người Công an phải có những phẩm chất tinh thần và vật chất tương ứng để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Theo cá nhân tôi, có thể nói gọn tiêu chí này bằng bốn chữ: Nhạy bén, sâu sát. Đó chính là tiêu chí chuẩn của tư duy và tác phong hiện đại.

Về tiêu chí 5, cần phải nhớ tới rằng, người xưa đã dạy, dân vi bản, dân là gốc. Vì dân cũng là vì nước. Ngay từ mùa thu năm 1945, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngay lập tức bỏ công sức không nhỏ vào việc tuyên truyền, giáo dục, cổ xuý một hình mẫu chính quyền mới, chính quyền nhân dân.

Tháng 10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: "Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy... Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh". Và cũng với cách hình dung như thế, Bác Hồ muốn lực lượng Công an nhân dân phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc thù liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả chế độ.

Theo Bác, Công an ta luôn luôn phải "lấy lòng" dân (hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này) để được dân giúp đỡ và có được dân giúp đỡ thì Công an ta mới có thể làm việc có hiệu quả. Cách lập luận của Bác rất giản dị nhưng đầy thuyết phục: "Bác lấy một ví dụ: Công an ta có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại..." (trích bài nói tại Trường Công an trung cấp khóa 2, năm 1951).

Việc nước rất nhiều (lại vẫn câu chữ của Bác), việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng rất nhiều, chỉ mình lực lượng Công an đảm trách thôi thì không đủ. Phải làm sao để các tầng lớp nhân dân cũng sát cánh cùng lực lượng Công an nhân dân chung lưng đấu cật trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Công an phải luôn gần gụi với người dân, phải học cách ứng xử với nhân dân sao cho lễ phép, chân thành: "Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người  dân mới tích cực trở lại giúp đỡ Công an".

Tiêu chí đoàn kết và thân ái đối với đồng chí đồng đội là một tiêu chí rất hay. Người đời vẫn hay nói rằng, lực lượng Công an vốn hay hoạt động đơn tuyến nên rất khó tạo dựng một tinh thần đồng đội đích thực. Đồng ý là khó nhưng không phải là không xây dựng được. Thực tế là chúng ta luôn cố gắng xây dựng một tình đồng chí, đồng đội đích thực trong lực lượng CAND theo đúng tinh thần lời dạy của Bác Hồ: "Với đồng sự phải thân ái giúp đỡ".

Cần lưu ý rằng, thân ái giúp đỡ khác với bao che. Thân ái giúp đỡ là cùng nhau biết phê bình và tự phê bình trên tinh thần đồng chí, đồng đội. Bác Hồ cũng đã dạy, muốn giữ gìn, bồi đắp đạo đức cho mình, những người chiến sĩ Công an nhân dân hơn ai hết cần phải biết "phê bình nhau".

Ngay trong những ngày đầu của chính quyền dân chủ cộng hòa, Bác cũng đã hiểu quá rõ là những người công bộc mang sắc phục Công an nếu không tự xác định được đúng đắn vai trò và nhiệm vụ của mình thì rất dễ mắc phải sai lầm. Tôn vinh sự tử tế, lấy tình thân ái và sự đoàn kết làm trọng, nhưng Bác cũng rất nghiêm khắc với những thói hư tật xấu. Bác nói: "Trong nội bộ, Công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh...".

Trong phần kết thúc, theo cảm nhận của cá nhân mình, tôi muốn diễn giải hệ thống tiêu chí người chiến sĩ Công an Hoàn Kiếm có văn hóa một cách dễ nhớ và ngắn gọn như sau:

Tiếp bước cha anh

Vì dân vì nước

Kỷ cương luật pháp

Nhạy bén, sâu sát

Trách nhiệm hàng đầu

Đoàn kết, thân ái

Chính Nhân
.
.
.