Nghĩ gì khi môi trường ngày càng xấu đi

Chủ Nhật, 31/07/2011, 22:19
Trong khi môi trường đã rơi vào tình trạng báo động thì trong thơ, văn vẫn sông xanh, đất xanh, trời xanh, biển xanh… bình yên như thuở nào. Hình như chưa có nhà văn nào bức xúc về tình trạng sông xanh, đất xanh, trời xanh, biển xanh ấy đang bị đe dọa từng giờ, đang không còn là nơi sinh sống bình yên cho muôn loài.

Môi trường nước ta ngày càng xấu đi. Tình trạng ngày càng xấu đi có lý do khách quan (tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu, khí thải và chất độc hại trên phạm vi toàn cầu) nhưng nguyên nhân chủ quan rất lớn. Tình trạng tàn phá môi trường diễn ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Trên mặt đất là cháy rừng, đào đãi khoáng sản, chặt gỗ lậu, săn bắt động vật hoang dã, đầu độc đất, xả khí thải, bụi vào không khí.

Với nước ngọt là sử dụng lãng phí nước sạch; xả nước bẩn làm ô nhiễm các sông, hồ và khai thác nước ngầm đến mức cạn kiệt. Có thể nói tất cả các dòng sông lớn, các hồ nước gần đô thị ở nước ta đến nay đều nhiễm bẩn nghiêm trọng. Ven bờ và trên biển, trong biển môi trường cũng đang bị phá tan hoang bởi xả rác bẩn, tận diệt hải sản, giết chết các rạn san hô, cúc biển, hải quì.

Không đâu xa, chỉ lấy ngay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm thí dụ. Ở các thành phố lớn này, bụi, nước thải, tiếng ồn, rác bẩn… đều vượt mức cho phép, có thứ đến mấy chục lần; đất đang lún dần vì khai thác nước ngầm quá mức; mật độ dân số đậm đặc, có nơi như khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, bình quân 2m2/người, chật chội nhất thế giới.

Trong khi đó, ngành Tài nguyên - Môi trường lại là một trong những ngành non trẻ vào loại nhất. Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường mới đây đã tiết lộ với báo chí ngành của ông được đầu tư rất ít, máy móc và trang thiết bị đến nay vẫn cơ bản ở trình độ của những năm 80 thế kỷ trước; lực lượng con người lại quá mỏng và yếu, nếu cứ tình trạng này, chỉ 5 năm nữa, ngành sẽ hết cán bộ khoa học. Nhưng đó chỉ là một việc, điều bức xúc về tài nguyên-môi trường mà ai cũng cảm thấy là sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường, những tắc trách, thậm chí là bất lực trong bảo vệ môi trường, ở ngay cả các vị trí lãnh đạo còn khá phổ biến.

Mọi người đều biết bảo vệ môi trường ở nước ta, một nước nông nghiệp nghèo là một điều mới mẻ. Nước nông nghiệp lại nghèo, cuộc sống của con người phải dựa vào săn bắt, hái lượm và những thứ con người thải ra, nói chung không quá nguy hại tới sinh thái. Chính vì điều đó, lâu nay người ta không quan tâm nhiều tới việc chống bóc lột thiên nhiên (vì con người cũng không có sức mà bóc lột nhiều), chống huỷ hoại thiên nhiên (vì mọi thứ thải ra đều phần nhiều có nguồn sinh học, thiên nhiên sẽ đồng hoá nhanh chóng).

Nhưng bây giờ thì khác. Với sự giúp sức của khoa học - công nghệ; của máy móc con người có thể xẻ núi, ngăn sông, lấp biển, biến hàng triệu m2 đất ruộng màu mỡ thành sân golf và khu công nghiệp… chỉ trong một thời gian ngắn. Con người thải hàng tỷ bao nilon, các đồ dùng gia đình, chai nước nhựa hoá học hàng trăm năm sau chưa hoai mục. Con người thải ra mỗi năm hàng chục nghìn tấn chất thải hạt nhân, bùn đỏ, bột nix mài rỉ ở vỏ tàu… gần như không phân huỷ. Con người thải thẳng ra môi trường hàng tỷ tấn nước bẩn có lẫn dầu mỡ, kim loại nặng, hoá chất độc bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Môi trường nước ta vì thế đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tốc độ cao nhất thế giới trong khi ý thức bảo vệ môi trường sống lại đang ở mức rất thấp.

Trong khi đó, việc cấp phép cho các dự án ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất các sản phẩm có hại với môi trường vẫn gần như ngang nhiên, chí ít là xâm hại môi trường được xếp nhẹ nhất trong các loại "tội". Cơ quan pháp luật xử nhẹ, tâm lý người dân xũng xuê xoa chín bỏ làm mười. Chính bởi điều này, xâm hại môi trường trở thành một miếng mồi béo bở cho nạn tham nhũng, làm giàu bất chính. Hàng nghìn héc ta rừng bị chặt phá trơ trụi, hàng triệu mét vuông đất bờ xôi ruộng mật bị biến thành các dự án treo, các khu công nghiệp không có nhà đầu tư, um tùm cỏ mọc.

Trong đời sống của những người lao động, chính quyền gần như bất lực trước nạn đánh bắt thủy hải sản bằng xung điện, tận diệt động thực vật hoang dã, dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng vô tội vạ, bao nilon dùng tràn lan khắp nơi như một thách thức.

Trong tinh thần của con người, nhà văn và các văn nghệ sĩ lâu nay vẫn được coi là gần gũi với thiên nhiên, nhạy cảm với biến đổi của môi trường. Nhưng trong khi môi trường đã rơi vào tình trạng báo động thì gần như không thấy một tác phẩm nào, dù là nghệ thuật biểu diễn hay nghệ thuật đọc lên tiếng về tình trạng này. Trong thơ, vẫn sông xanh, đất xanh, trời xanh, biển xanh… bình yên như thuở nào. Hình như chưa có nhà văn nào bức xúc về tình trạng sông xanh, đất xanh, trời xanh, biển xanh ấy đang bị đe dọa từng giờ, đang không còn là nơi sinh sống bình yên cho muôn loài.

Đó là hồi còi báo động cần được gióng lên mạnh mẽ hơn nữa. Qua báo chí gần đây, với sự phối hợp của nhiều ngành trong đó có ngành Công an, người ta đã phát hiện được hàng loạt vụ các nhà máy, xí nghiệp chủ tâm xây dựng đường ống nước ngầm dưới đất, che mắt việc thải nước bẩn ra môi trường tương tự như Công ty VEDAN; các vụ buôn bán trái phép hàng chục container rác bẩn vào Việt Nam; các vụ gian lận trong chôn lấp rác thải công nghiệp như Nhà máy Vinashin Hyundai (Khánh Hoà) trước đây và vụ Công ty Tân Phát Tài (Đồng Nai), một công ty kinh doanh bảo vệ môi trường trong tuần này.

Những việc làm như vậy còn quá ít bởi đó là việc làm hết sức cần thiết, càng làm mạnh hơn, càng phát hiện được các vụ vi phạm nhiều hơn

Duy Vũ
.
.
.