Cần khơi dậy năng lực sáng tạo, khát vọng vươn lên của thầy cô, học sinh

Thứ Tư, 23/09/2020, 15:40
Tại đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch nước mong muốn, mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước…

Ngày 23/9, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Dự đại hội còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Phùng Xuân Nhạ; các đồng chí lãnh đạo Bộ GD & ĐT cùng 300 đại biểu ưu tú trong ngành giáo dục.

Khai mạc đại hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá, cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. 

Trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục; nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng. Nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển. “ Tôi biểu dương những thầy giáo, cô giáo tham gia Chương trình “Thầy cô - chúng ta đã thay đổi” vì một trường học hạnh phúc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ…

Tại đại hội, các đại biểu đã rất xúc động khi được nghe những trải lòng của cô giáo Sung Thị Tông, người dân tộc H'Mông, dạy tại Trường mầm non Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với sự quyết tâm, phấn đấu không ngừng nghỉ, ước mơ của cô Sung Thị Tông được làm cô giáo đã thành hiện thực, khi năm 2016, cô đã trở thành giáo viên mầm non, nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường mầm non Sơn Thủy. Ngôi trường này nằm ở một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, không điện, không đường, không trạm, sự nghèo đói và lạc hậu vẫn đeo bám. 

“Để đến với điểm trường Mùa Xuân, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm, một bên núi, một bên vực. Mùa khô đi xe máy sẽ mất 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Phòng học có thời điểm xuống cấp, trang thiết bị đồ dùng dạy học bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng. Lòng tôi như thắt lại vì sự thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây. Cuối cùng, tôi đã tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các cá nhân, đoàn từ thiện, nhà hảo tâm. Đoàn thiện nguyện Búp măng non đã đến tận điểm trường Mùa Xuân để tổ chức Tết Trung thu cho các cháu. Tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nuôi ăn cho tất cả các cháu và 100% cháu được bán trú tại trường”. Với sự vận động kiên trì của cô Sung Thị Tông, 100% trẻ từ 25 – 36 tháng tuổi tại bản heo hút này đã ra lớp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao Bằng khen cho cô giáo Sùng Thị Tông nhận 

Còn cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ (vừa được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020) đã mang đến những chia sẻ thú vị từ các giờ học “Xuyên biên giới” do cô sáng tạo, thiết kế. Trường THPT Hương Cần có hơn 85% học sinh dân tộc thiểu số. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm thế nào để bất cứ học sinh nơi nào cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố. 

Với tâm niệm, “giáo dục không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ”, suốt 5 năm ròng rã, cô Hà Ánh Phượng đã tìm hiểu những phương pháp dạy học tốt nhất để thu hẹp khoảng cách, sáng tạo “lớp học không biên giới”, kết nối lớp học của cô và lớp học của nhiều nước trên thế giới qua các giờ học tiếng Anh. “Lớp học không biên giới” của cô Hà Ánh Phượng đã nhân lên niềm say mê học môn ngoại ngữ trong các em học sinh, vì các em được tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài. Thật thú vị khi lớp học đặc biệt này đã đưa cô và trò du lịch “không visa” trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới…

Xúc động trước những chia sẻ của các thầy cô giáo luôn tận tâm tận lực với học trò, phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học; Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ những kinh nghiệm thú vị trong việc thiết kế giờ học "Xuyên biên giới"

Phó Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu quan trọng mà ngành giáo dục đã nỗ lực đạt được, trong đó có nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, Bộ GD & ĐT trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Ngành giáo dục đã triển khai tích cực đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá người học ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; đội tuyển học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích xuất sắc, luôn thuộc tốp 10 nước dẫn đầu. 

Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng và bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Lần đầu tiên có 3 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, gồm có 2 Đại học quốc gia và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; ngoài ra còn có 7 trường đại học được vào danh sách 500 trường đại học tốt nhất châu Á…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành quả quan trọng mà ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện trong 5 năm qua

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, theo Phó Chủ tịch nước, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành giáo dục nước ta còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết. Về định hướng, Phó Chủ tịch nước yêu cầu ngành giáo dục phải tham mưu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo, chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc; đẩy mạnh đổi mới đồng bộ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo.

 Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch nước mong muốn, mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước…


Thu Phương
.
.
.