Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Nên quy định Chủ tịch nước có quyền phủ quyết các bản án có hiệu lực pháp luật

Thứ Tư, 30/01/2013, 23:30
Để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động tư pháp, thi hành án hình sự, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an về vấn đề này.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, trong đó quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động tư pháp, thi hành án hình sự, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an về vấn đề này. Đồng chí Trung tướng, Tổng cục trưởng cho biết:

1. Chế định Chủ tịch nước (quy định tại Chương VII, từ Điều 101 đến Điều 108 Hiến pháp năm 1992) xác định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước,                 

thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành đến nay, với nhiệm vụ, quyền hạn công bố Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Chủ tịch nước đã công bố 12 Luật, 18 Pháp lệnh liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong hoạt động của công tác này.

Liên quan đến lĩnh vực tư pháp hình sự: Điều 103 Hiến pháp năm 1992 quy định Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Từ năm 1992 đến nay, Chủ tịch nước đã 14 lần ban hành quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 161.664 phạm nhân có quá trình cải tạo tiến bộ. Điều đó thể hiện bản chất nhân đạo, truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội. Tất cả các đợt đặc xá đều quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là: Những phạm nhân được đặc xá tha tù khi trở về với cộng đồng không được có hành vi làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đặc xá có tác dụng làm cho gia đình phạm nhân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy phạm nhân đang chấp hành án ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu cải tạo tiến bộ để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc xá được nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao về tính nhân đạo, công khai và minh bạch trong chủ trương cũng như trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào việc chống lại các luận điểm sai trái, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền của các thế lực thù địch, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về thi hành án tử hình: Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự, thể hiện và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, xã hội thiết lập được cơ chế kiểm soát hành vi của con người thì việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ định hướng chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta là duy trì án phạt tử hình, nhưng “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

2. Trong xu thế hiện nay, nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước rõ ràng có sự giám sát và kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng cần được tăng cường theo hướng:

Thứ nhất, Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất 2/3 tổng số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố. Quy định như vậy sẽ vừa tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quy trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn, qua đó nâng cao sự ổn định của luật vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội, bảo đảm sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước.

Thứ hai, Hiến pháp nên quy định Chủ tịch nước có quyền phủ quyết các bản án của TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật (dưới hình thức ân xá và đặc xá đặc biệt, không cần phải theo các thủ tục quá chặt chẽ như phải có đơn của tử tù…).

Thứ ba, Hiến pháp không quy định Chủ tịch nước có quyền quyết định trình tự, thủ tục, thời hạn bác đơn xin ân xá cho người bị kết án tử hình. Do không quy định thời gian bác đơn hay ân giảm nên có nhiều trường hợp án tử hình xét xử đã lâu, nhưng chưa thi hành án đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Đề nghị Hiến pháp sửa đổi lần này nên quy định trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết đơn của người bị kết án tử hình

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.