Tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu

Thứ Năm, 11/01/2018, 16:37
Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại; đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu. Bởi thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.



Ngày 11-1, Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (NTTQ) Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo dự Hội nghị.

Năm 2017, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. 

Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ANCT, TTATXH; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai khẳng định, năm 2017 đã có sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong phát huy dân chủ ở cơ sở. 

Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, các dịch vụ công.. được cải tiến ở nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. 

Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài... cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân.

Các đồng chí Trương Thị Mai, Trần Thanh Mẫn trao đổi cùng các đại biểu bên lễ Hội nghị. 

Lưu ý tới vấn đề hiện nay đó là sự tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần thông tin tuyên truyền trực tiếp để giải đáp vướng mắc cho người dân. 

Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại; đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu. Bởi thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quang cảnh Hội nghị. 

Theo đó, dự kiến năm 2018, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tổ chức 3 đoàn kiểm tra do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy làm Trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện quy chế tại: Khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc và các bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thời gian kiểm tra sẽ được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018.

Tâm Phạm – Diệp Hương
.
.
.