Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Năm 2017, quỹ bảo hiểm y tế hụt 7.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 14/06/2017, 15:04
Giải trình thêm về quản lý quỹ bảo hiểm y tế và việc trục lợi bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Do đối tượng phục vụ quá lớn, lên đến 150 triệu lượt người, rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, nên tình trạng trục lợi diễn ra tương đối phổ biến.

Kể từ khi áp dụng việc nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi cơ chế, không  cấp phát trực tiếp cho bệnh viện, không chia chỉ tiêu bảo hiểm y tế cho các bệnh viện nữa, các bệnh viện phải tự chủ, phải phấn đấu làm tốt để có bệnh nhân, nên nhiều bệnh viện không đảm bảo chất lượng lâm vào tình trạng rất khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, nhiều bệnh viện “đành” kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống giám định thông tin Bảo hiểm y tế, các biểu hiện trục lợi cũng hiện lên rất rõ trên hệ thống này.

“Có những thủ thuật, quy trình chung chỉ cần 2 ngày, có bệnh viện lên tới 7,1 - 7,5 ngày. Giường bệnh ở tuyến huyện thường là không sử dụng hết 100% công suất, nhưng hiện có những tỉnh báo lên thanh toán với bảo hiểm y tế 200% – 300% công suất. Rất không bình thường” – bà Minh nêu ví dụ.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội: Tổng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số chi quý I báo cáo lên, năm nay nhu cầu chi sẽ khoảng 80.000 tỷ đồng, hụt 7.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã tính toán, các yếu tố khách quan như tăng giá dịch vụ, trượt giá... tăng khoảng 30%, còn khoảng 10% là yếu tố “không bình thường” - cũng tương đương khoảng 7.000 tỷ. Nếu làm tốt việc ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thì quỹ  bảo hiểm y tế sẽ cân đối, không bội chi.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh

Bà Minh nêu rõ, hiện bảo hiểm xã hội đã phân bổ hơn 67.000 tỷ đồng, còn hơn 6.000 tỷ dự phòng sẽ phân bổ cho tỉnh nào bội chi do khách quan. Nếu không có giải pháp tích cực, quỹ bảo hiểm y tế năm nay sẽ âm 7.000 tỷ.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sáng 14-6, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng đặt vấn đề tình trạng lạm dụng, lợi dụng, trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng ngày càng gia tăng. Một số cơ sở y tế có những biểu hiện tiếp thị trong khám, chữa bệnh, xuất hiện tình trạng người có bảo hiểm đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng để lấy thuốc. Cơ sở khám, chữa bệnh tăng chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang... làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời gây quá tải tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh và gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Cử tri muốn biết bộ có biện pháp mạnh nào để chấm dứt tình trạng này.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế vừa tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các địa phương và đơn vị trực thuộc, thấy “có tình trạng lạm dụng từ hai phía, một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân”.

Bộ trưởng cho rằng với mức đóng khoảng chưa đến 30 USD/người, thì mức hưởng bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện nay là quá rộng; còn có thông tuyến, nên người dân một là lạm dụng đi khám rất nhiều, “có những người khám đến 20-30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám...”; cơ sở y tế cũng lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi.

“Giải pháp của chúng tôi là sẽ làm quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ kèm theo giám sát; cùng với Bảo hiểm xã hội sẽ có những định mức trần chi. Tất nhiên, mặt nào cũng có hạn chế, vì khi định mức trần và khoán thì quyền lợi của người dân và khoán sẽ bị ảnh hưởng. Sắp tới chúng tôi cũng thực hiện nghiêm việc tự chủ nhưng có sự quản lý chặt của nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ”.

“Cũng để tránh lạm dụng không công nhận kết quả xét nghiệm ở tuyến huyện, lên tuyến tỉnh lại xét nghiệm lại, lên tuyến trung ương lại xét nghiệm lại... như thực trạng đã xảy ra, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, hiện nay chúng tôi đã ban hành thông tư để công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Trước mắt, từ tháng 6 này, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh phải công nhận các kết quả xét nghiệm. Đến 2018, sẽ công nhận kết quả xét nghiệm của tất cả các tuyến”.


Vũ Hân
.
.
.