Muốn minh bạch giá điện, phải kiểm toán độc lập

Thứ Ba, 06/08/2013, 10:40
Việc tăng giá điện bình quân thêm 5% kể từ 1/8 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích do phải bù lỗ vì giá đầu vào tăng. Tuy nhiên về lâu dài, căn cứ tăng giá cũng như lỗ lãi trong kinh doanh điện cần phải có kết quả kiểm toán độc lập và công bố rộng rãi để nhân dân giám sát.

Việc tăng giá bán điện hiện được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, giá điện chỉ được tăng khi hội đủ các yếu tố: Khi thông số đầu vào cơ bản biến động;chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán; việc tăng giá bán phải công khai, minh bạch, thời gian tăng giữa hai lần liên tiếp tối thiểu 3 tháng.

Thông số đầu vào cơ bản là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát, bao gồm: giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Chiểu theo các quy định trên thì việc EVN tăng giá bán điện thêm 5% kể từ 1/8/2013 là đúng luật khi thông số đầu vào tăng (giá bán than cho điện tăng làm chi phí nhiệt điện than tăng; tỷ giá ngoại tệ có tăng so với năm 2012).

Tuy nhiên, các con số để cho rằng thông số đầu vào tăng bao nhiêu và lỗ lãi thế nào, hiện vẫn chỉ dựa trên báo cáo của chính EVN. EVN cũng viện lý do hiện nay còn 2 khoản lỗ là lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 - 2011 do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ. Nay còn lại gần 8.000 tỷ. Tăng 5%, dự kiến thu được 3.500 tỷ đồng đến 3.600 tỷ đồng...

Xung quanh việc lãi lỗ của EVN, chúng tôi cho rằng, cần phải có kết quả kiểm toán độc lập, khách quan. Không thể căn cứ vào việc tính toán và kêu lỗ của chính EVN bởi trong hoạt động kinh doanh, việc “lãi giấu, lỗ kêu” là chiêu thuật muôn thuở của doanh nghiệp còn nặng tính độc quyền, quá khó để cho rằng những thông số do họ đưa ra là khách quan. Hơn nữa, ngay như cách tính ở trên, lỗ tính dồn từ những năm trước, trong khi lãi chỉ tính trong năm tài chính từ việc tăng giá bán điện. Cần biết rằng, nếu việc tăng thêm 5% giá bán điện sẽ thu 3.500 đến 3.600 tỷ đồng trong năm tài chính 2013, thì lợi nhuận từ việc tăng giá 5% này cũng tăng cấp số cộng trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định “chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán” đối với các thông số đầu vào khác. Và để đảm bảo tính khách quan, các thông số đầu vào cơ bản đều phải kiểm toán độc lập và công khai minh bạch, nhất là việc thua lỗ từ các chi phí phát sinh như nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ trên cơ sở cơ cấu sản lượng điện phát. Đây là căn cứ cơ bản để xem xét việc tăng giá bán điện ở mức nào và thời điểm nào.

Việc tăng giá bán điện cũng cần có độ trễ và có thời gian lấy ý kiến đối tượng bị tác động (người dân, doanh nghiệp). Theo Quyết định 24, nếu tăng trong phạm vi 5%, EVN được quyền tự quyết và chỉ cần thông báo tới Bộ Công Thương. Nếu tăng giá điện quá 5%, EVN sẽ phải báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những quy định này bộc lộ bất cập cho thấy cần sớm sửa đổi Quyết định 24, bởi giá điện tác động đặc biệt tới đời sống kinh tế, không thể để quyền tự quyết cho EVN như trên. Một mặt, nếu xét giá điện ở Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực thì xem ra cách lý giải này chưa hoàn toàn đúng. Người dân bỏ tiền mua điện không phải chỉ bởi con số được quy ra bao nhiêu đồng mỗi kW mà cần nhìn sâu xa hơn. Nhân dân đã đóng thuế cùng góp sức xây dựng những nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, rồi đóng góp xây dựng hệ thống truyền tải điện với nguồn vốn khổng lồ. Những chi phí đó không thể đong đếm, đâu phải chỉ có hơn 1.500 đồng cho bình quân mỗi kW như cách tính hiện nay?

Hiện, thị trường điện tại Việt Nam còn mang tính độc quyền với việc chi phối của EVN - nắm giữ hơn 71% tổng lượng điện sản xuất, nắm toàn bộ khâu truyền tải, vận hành hệ thống điện, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. Với tỷ lệ như vậy, việc “thả giá theo thị trường” không khác gì trao thêm gậy độc quyền giá cho EVN. Khi thảo luận dự án Luật Giá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Quốc hội cũng yêu cầu phải tăng cường quản lý nhà nước về giá điện, đề nghị quy định rõ trong luật phải thực hiện kiểm toán độc lập đối với ngành Điện và đây là căn cứ để lập giá điện. Báo cáo kiểm toán có thể được thực hiện bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán trong và ngoài nước có uy tín, đủ độ tin cậy. Ngược lại, nếu vẫn chỉ căn cứ báo cáo của EVN thì việc kêu lỗ để gây sức ép tăng giá tiếp tục lặp lại như một quy luật và bài toán giá điện chỉ luẩn quẩn như “con kiến leo cành đa”

Đăng Minh
.
.
.