Muốn giành thắng lợi phải nhìn thẳng vào sự thật

Thứ Ba, 04/01/2005, 11:42

Giữ trọng trách Tổng Bí thư Đảng CSVN khi mới 26 tuổi (3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm nêu cao ngọn cờ tự phê bình và phê bình. Đồng chí đã viết một tác phẩm lý luận về vấn đề này, vừa mang tính thời sự ở thời điểm xuất bản, vừa có giá trị dài lâu đối với lịch sử. Đó là cuốn Tự chỉ trích, xuất bản năm 1939.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ  sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo trên đất Kinh Bắc, hậu duệ của danh nhân văn hóa ái quốc Nguyễn Trãi. Truyền thống quê hương và gia đình cũng như tư chất cá nhân đã sớm dẫn dắt Nguyễn Văn Cừ vào con đường đi làm cách mạng vô sản.

Cách mạng là cứu nhân độ thế

17 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành đảng viên cộng sản, rồi trải qua vô số cảnh tù đày khốc liệt. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong cuộc đấu tranh một mất một còn chống lại chủ nghĩa thực dân xâm lược, đồng chí đã mau chóng trưởng thành về mọi mặt.

Tầm tư duy của nhà cách mạng học rộng trong cả trường đời lẫn sách vở và bám rất sát thực tế công nông đã tạo nên uy tín rất cao của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam lúc đó. Và chính vì thế nên năm 26 tuổi, đồng chí đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Trên cương vị này,  cho tới lúc hy sinh ngày 28/2/1941, đồng chí đã có những đóng góp quyết định trong việc vạch ra chiến thuật và chiến lược của Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của lịch sử, đưa phong trào đấu tranh của dân tộc lên một tầm cao mới vào những năm sau đó.

Ngắn ngủi nhưng vẻ vang, luôn coi hoạt động Cách mạng là để cứu nhân độ thế, cuộc đời của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho chúng ta hôm nay “một tấm gương vĩ đại về đạo đức cách mạng, về lòng tin mãnh liệt ở lý tưởng, lòng yêu thương quý mến giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sống trong sạch, chan hòa cùng nhân dân, vì nhân dân”. (Lời đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư,  trong bài viết nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ).

Luôn “Tự chỉ trích”

Nói theo lời lãnh tụ vô sản thế giới V.I. Lênin, chỉ có người không làm gì mới không bao giờ sai. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cũng từng nhấn mạnh không chỉ một lần: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. Tuy nhiên, giá trị đích thực của con người khác nhau là ở chỗ, khi nhận ra sai lầm hay khuyết điểm của mình thì ứng xử thế nào. Có kẻ lấp liếm cái dở mà chỉ xưng xưng nhận mọi hay ho về mình. Có người công khai, thẳng thắn tự phê bình để sửa chữa, để hoàn thiện nhân cách mình hơn. Cách hành xử thứ hai là của những người cộng sản chân chính, cả trên phương diện cá nhân lẫn trên phương diện tập thể. 

Năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết một tác phẩm quán triệt rất sâu sắc và toàn diện về công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng, cuốn Tự chỉ trích (bút danh Trí Cường). Khi đó, các ứng cử viên cộng sản và dân chủ thuộc nhóm Dân chúng đã không giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ. Trong nội bộ Đảng và cả quần chúng đã nảy sinh những cách đánh giá khác nhau về những nguyên nhân dẫn tới thất bại đó. Trên báo chí công khai của Đảng, một số ý kiến được nêu ra từ tranh luận đã dẫn tới nóng nảy đả kích nhau, gây ảnh hưởng xấu trong Đảng và quần chúng.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết cuốn Tự chỉ trích, trong đó phân tích rất rành rẽ và đầy sức thuyết phục về những nguyên tắc tự phê bình và  phê bình trong Đảng. 65 năm đã trôi qua, hôm nay, đọc lại cuốn sách này, ta thấy những nhận định của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị về tính thời sự đúng đắn.

Trước hết, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nêu rõ nguyên tắc quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa đảng viên với tổ chức Đảng trong tự phê bình và  phê bình:  “Đối với uy tín của Đảng, thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”. Theo đồng chí, có thể chỉ trích Đảng “nhưng bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsêvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - cho dù đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ đội ngũ Đảng...”.

Đồng chí nhấn mạnh: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy trong phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm, khuyết điểm của đồng chí mình”.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đánh giá rất cao thái độ công khai của người cộng sản chân chính trong mọi hoạt động cách mạng của mình. Đồng chí viết: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân đó mà lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải là một đảng tiền phong cách mạng, mà là ... một đảng hoạt đầu cải lương”.

Người cộng sản chân chính không bao giờ che giấu những “gót chân Asin” của mình với vẻ như là không có chúng. Trái lại, người cộng sản trong mọi giai đoạn phát triển của Cách mạng Việt Nam luôn sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ mọi mặt mạnh yếu để phát huy (những cái mạnh) hay khắc phục (những cái yếu) để đưa phong trào đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn của cả dân tộc không ngừng phát triển. Chính thái độ trung thực và anh minh này đã giúp cho những người cộng sản thu hút được nhân tâm và được quần chúng tín nhiệm với vai trò lãnh đạo “mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam”.

Trong Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nói rất thẳng thắn về sự cần thiết của việc công khai sự thật trong lãnh đạo cách mạng của những người cộng sản. Trên quan điểm “người cộng sản là chiến sĩ thực tế chứ không phải bọn chính trị cận thị”, đồng chí viết:  “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ. Những chủ trương chính trị mà lấy ý kiến của mình làm ý muốn của quần chúng... là rất sai lầm và nguy hiểm; nó làm cho Đảng xa rời quần chúng và có thể dẫn tới những thất bại nặng nề đau đớn...”.

Trong cuốn sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ (năm 2002), ban biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có viết: “Nguyễn Trãi là ngôi sao Khuê sáng mãi hôm mai trên bầu trời, Nguyễn Văn Cừ là một ánh sao chói sáng trong màn đêm, góp phần dẫn dắt Cách mạng Việt Nam đi tới những thắng lợi huy hoàng”.  Thực sự có thể nói rằng, với tinh thần Tự chỉ trích như trong tác phẩm lý luận chính trị để đời của mình, “ánh sao Nguyễn Văn Cừ” sẽ còn giúp những người cộng sản Việt Nam luôn duy trì được cảm quan thực thế và trung thực nhận biết mọi được mất, mạnh yếu trên con đường cách mạng còn lắm thử thách và phức tạp, đưa đất nước và dân tộc tới một tương lai văn minh, dân chủ và thịnh vượng

Nguyễn Bắc Ninh
.
.
.