Muốn đột phá nhưng thiếu cơ chế

Thứ Hai, 29/02/2016, 08:51
Được kì vọng là động lực phát triển kinh tế xã hội, thế nhưng những năm qua, khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh. Người đứng đầu ngành khoa học thừa nhận một thực tế: Khoa học khó đột phá vì thiếu cơ chế.

Trong cuộc trò chuyện với báo giới gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn những người làm khoa học có những đặc thù riêng, không tự do thì không sáng tạo được. Trước giờ chúng ta quản lí rất máy móc, làm gì cũng phải xin phép. 

Nhà khoa học đầu ngành đi dự hội nghị quốc tế cũng phải lên Bộ xin quyết định, rồi giải trình xem hội nghị ấy có cần thiết hay không. Tôi nghĩ, các viện nghiên cứu hãy giao quyền tự chủ tối đa cho những người làm khoa học, chỉ cần khoán theo công việc, không cần quản lí hành chính”.

Cơ chế quản lí mang nặng tính hành chính, tư duy trì trệ đã khiến ngành khoa học trong nước không giữ chân được những người giỏi. Những nhà khoa học tài năng, nhà khoa học đầu ngành đều làm việc cho những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nơi đảm bảo cho họ môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp và mức đãi ngộ cao ngất ngưởng. 

Để thu hút người giỏi về nước cống hiến, Bộ Khoa học – Công nghệ đã có ý tưởng thành lập Viện khoa học công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST). Viện này sẽ hoạt động theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc, thu hút những chuyên gia giỏi với trang thiết bị hiện đại và chế độ đãi ngộ tương xứng. Ý tưởng là vậy, song cho tới nay, cơ chế tài chính cho VKIST vẫn chưa được thông qua. Lí do là vì “chế độ đãi ngộ cao, trái với quy định nhà nước hiện hành”. Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói: “Mọi người phàn nàn tại sao lương bổng ở VKIST cao quá, cần phải theo quy định hiện hành. Tôi cho rằng, nếu theo quy định hiện hành thì không cần đến VKIST. Chúng ta có hàng trăm viện hiện hành nhưng hiệu quả đều không như mong muốn. Muốn có sự đột phá thì phải có cơ chế đột phá”.

Mới đây, Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Tài chính đã kí ban hành Thông tư liên tịch 27. Thông tư này được coi là chìa khoá để “cởi trói” cho những nhà khoa học. Theo Thông tư 27, sẽ có 2 hình thức khoán: Khoán chi từng phần và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Nếu đề tài thuộc nhóm khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học sẽ được tự chủ toàn bộ trong việc sử dụng kinh phí, nhưng phải đảm bảo về sản phẩm đầu ra. Trong trường hợp nhà khoa học không bàn giao được sản phẩm như cam kết ban đầu sẽ phải hoàn trả lại kinh phí cho ngân sách nhà nước. Mức hoàn trả là 40% kinh phí của đề tài, thậm chí nếu là lỗi chủ quan của nhà khoa học sẽ phải hoàn trả 100%.

Cơ chế cũ chỉ kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhưng lại chưa quan tâm tới sản phẩm đầu ra. Vì vậy, rất nhiều đề tài nghiệm thu xuất sắc nhưng lại không tạo ra được sản phẩm hoặc sản phẩm không ứng dụng được vào thực tế. Với cơ chế cũ, nhà khoa học chỉ lo tìm mọi cách để hợp thức hoá những hoá đơn chứng từ phục vụ cho việc quyết toán. Với cơ chế mới, trách nhiệm của nhà khoa học cao hơn. Họ buộc phải tập trung nghiên cứu để tạo ra sản phẩm như đã cam kết nếu không muốn hoàn trả lại tiền.

Khánh Vy
.
.
.