Muốn đồng thuận phải luận bàn

Thứ Ba, 06/06/2006, 08:21

Thu nhập mức bao nhiêu thì phải nộp thuế thu nhập? Mấy ngày gần đây, câu hỏi ấy dường như được bất cứ ai được nhận tiền lương trong cả hệ thống công chức và doanh nghiệp quan tâm.

Trước đây, thuế thu nhập chỉ  "đánh" vào người có thu nhập cao, quy định với những ai từ 5 triệu đồng trở lên, có lúc lại xuống 3 triệu thì còn ít người quan tâm vì "đấy là chuyện của người ta". Nhưng gần đây, khi Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo "đánh" thuế thu nhập một cách đại trà đối với những ai có thu nhập từ 1 triệu đồng trở lên... đã gây ra một cú "sốc" cho cả xã hội.

Gặp nhau ở đâu, người ta cũng dáo dác hỏi nhau "mình sẽ phải đóng thuế thu nhập ư?"... Đủ thấy, khi có một chính sách mới động đến túi tiền của số đông, vấn đề trở nên quá nhạy cảm như một "hàn thử biểu" tình cảm của cộng đồng. Sự phản ứng, tranh cãi xuôi ngược của dư luận sôi động đến mức, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ lùi thời gian dự kiến trình Dự án luật thuế cá nhân trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 này.

Hoàn toàn có lý khi có ý kiến cho rằng, trong lúc đại đa số người dân thu nhập thấp đang "tính cộng tính trừ" để lo cho cuộc sống tối thiểu thì việc quy định những ai có thu nhập từ 0-60 triệu đồng phải đóng thuế 5%... sẽ khó khả thi. "Lo cho mình còn chưa xong. Tính sao được chuyện đầu tư cho tương lai", sự băn khoăn do dự ấy dễ nhận được sự chia sẻ.

Nhưng cũng thật khó trả lời một cách thỏa đáng khi bỗng có ai đặt câu hỏi: Tại sao chỉ có người thu nhập cao mới phải đóng thuế? Đâu là sự công bằng xã hội khi chỉ có người này nộp thuế, còn người kia thì không? Tôi đem câu chuyện này trao đổi với một đồng nghiệp là chị Tinna Bondestam, Phó Tổng Biên tập tờ báo Sundvalls của Thụy Điển, chị cho biết, đã từ lâu ở Thụy Điển tất cả những ai có thu nhập đều phải đóng thuế. Lại nữa, những ai khi mua một phương tiện tài sản cho cá nhân còn phải đóng thêm một lần thuế nữa tương đương 55% giá trị vật mua. Như vậy, một nhà báo như chị vừa đóng chung bình đẳng như những người có thu nhập khác trong toàn xã hội. Còn nếu mua xe ôtô, chị phải đóng thuế 55% bình đẳng với những người có thu nhập cao...

Tôi hỏi tò mò rằng: "Tại sao các bạn bị "bóp" thế mà vẫn có thể vui vẻ?", chị Tinna cười lớn mà rằng: "Ô không, bù lại mọi người dân nước tôi đều được đi học, chữa bệnh không mất tiền!". Tất nhiên, ở ta trong trình độ phát triển như hiện nay, không thể áp dụng kinh nghiệm của một nước tiên tiến như Thụy Điển. Vậy thì chờ đến bao giờ?

Thực ra ở ta, từ lâu người nông dân đã nộp thuế nông nghiệp. Và nay, liệu mấy ai quên được hình ảnh những người buôn thúng bán bưng, những tiểu thương buôn đầu chợ bán cuối chợ... lãi có nhiều nhặn gì đâu, vẫn nâng niu vuốt thẳng từng đồng bạc lẻ góp lại nộp cho người thu thuế...

Cũng có ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ phải xác lập một nguyên tắc công bằng trong nghĩa vụ và quyền lợi đóng thuế thu nhập. Không phân biệt cao thấp mà những ai có thu nhập đều phải nộp thuế. Người có thu nhập thấp thì nộp ít, người có thu nhập cao thì nộp nhiều, nộp theo kiểu luỹ tiến. Ai mua vật gì đắt giá để sử dụng thì có thể nộp thuế cao hơn nữa.

Nghĩ xa hơn, xét trong một nước, những ai có công ăn việc làm, những ai có thu nhập chính đáng, ổn định... đều là những người có cơ hội may mắn. Còn những đồng bào khác của mình không có cơ hội tìm kiếm được việc làm, tìm kiếm được thu nhập... phải chăng họ thuộc về số đông chưa may mắn.

Ví như ở biên giới, miền núi xa xôi kia, có hàng triệu người dân gặp muôn vàn khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do điều kiện xã hội chưa ưu đãi, nhưng họ vẫn sống hồn nhiên, yêu Tổ quốc và ngàn đời nay giữ vững từng mảnh đất nước nhà.

Và, hàng triệu người dân ở ven biển (trong đó có bà con ngư dân miền Trung vừa bị thiệt mạng trong cơn bão Chanchu) quanh năm đối mặt với bão tố, nhưng không có con đường nào khác, ngày ngày họ vẫn phải giong thuyền ra khơi kiếm sống trong sự thấp thỏm chờ đợi lo âu ở quê nhà, trong sự cận kề của sống chết... Nhưng họ vẫn ngạo nghễ sống, ngàn đời phải gánh trên vai bao số phận khác nữa...

Tất cả họ là đồng bào cùng sinh với chúng ta trong bọc trứng. Nhà nước muốn hỗ trợ, giúp đỡ họ chỉ có cách là thu thuế. Vậy thì người có chút may mắn hãy san sẻ một phần thu nhập của mình, sẻ chia cảnh ngộ với những đồng bào không may mắn khác.

Chúng ta từng quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, ủng hộ người nghèo, ấy là đạo lý. Nhưng đóng thuế thu nhập đầu tư cho họ xóa đói giảm nghèo là nghĩa vụ pháp lý. Đóng thuế thu nhập còn là thể hiện nghĩa vụ với quốc gia, là một cách đầu tư một phần nhỏ bé của mình cho hiện tại và mai sau.

Ai bảo các con đường mới mở dẫn chúng ta lên Sa Pa, về vịnh Hạ Long, vào Buôn Ma Thuột, Đà Lạt... không có một chút gì trong 5%, 10% thuế thu nhập của mình. Đâu phải là mất không.

Nhưng phải làm sao để minh bạch mọi khoản thu nhập của mọi người. Người đóng thuế không sợ thiệt thòi. Điều họ lo nhất là không công bằng, là việc Nhà nước không có cơ chế kiểm soát những kẻ lậu thuế, chưa có biện pháp chống tham nhũng triệt để.

Nhưng vạn sự khởi đầu nan, hãy vừa minh bạch hoá, vừa hoàn thiện mới hi vọng tiến tới một xã hội công bằng văn minh.

Có lẽ trước khi quyết định một vấn đề nhạy cảm như thuế thu nhập, rất nên luận bàn. Còn mức như thế nào, nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phải hỏi dân

.
.
.