Muốn có đội ngũ công chức mạnh thì phải chú ý “đầu vào”

Chủ Nhật, 24/08/2014, 08:57
Ông Vũ Quốc Hùng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Công dân muốn đỗ công chức thì phải chịu khó rèn luyện, học tập. Cơ quan tiếp nhận không được nể nang, phải thi tuyển đúng tiêu chuẩn tiêu chí, phải khuyến khích tổ chức thi công chức bằng hình thức thi tuyển công khai, minh bạch, nghiêm túc.

Sai phạm trong tuyển dụng công chức ở Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; tiếp tục lại có nghi vấn tiêu cực tuyển công chức ở Cục Quản lý Cạnh tranh vẫn ở Bộ Công thương; hình ảnh người dân lũ lượt, chen chúc xếp hàng nộp hồ sơ vào Cục Thuế Hà Nội… rất nhiều hình ảnh minh họa cho bức tranh thi tuyển công chức đầy phức tạp trong thực tế hiện nay. Nghịch lý người có thần thế, tiền bạc thì được vào vị trí nhàn hạ, lương hưởng đều đặn hàng tháng, người có khả năng thực sự thì vất vả bôn ba, làm công việc không phát huy được tài năng. “Đầu vào” không đảm bảo, thử hỏi chất lượng công chức tương lai sẽ ra sao? Chất lượng công chức sẽ ảnh hưởng thế nào tới thái độ phục vụ nhân dân, trách nhiệm đối với xã hội? Làm thế nào để xây dựng một xã hội công bằng từ thi tuyển công chức? Đó là những vấn đề sẽ được giải đáp qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Chuyên mục trò chuyện Chủ nhật, Báo CAND với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Phóng viên (PV): Thưa ông, cảnh xếp hàng chen chúc nộp hồ sơ thi tuyển công chức ở Cục Thuế Hà Nội vừa qua cho thấy người dân mong mỏi được làm công chức ở một cơ quan Nhà nước nói chung và ở ngành thuế nói riêng. Theo ông, sự kiện đó phản ánh điều gì?

Ông Vũ Quốc Hùng: Hình ảnh đó cho thấy định hướng tư tưởng, định hướng công việc, phổ biến, hướng dẫn nghề nghiệp… ở nước ta đang có vấn đề. Khát vọng muốn có việc làm, muốn việc ngon, nhàn, có lợi lộc cũng là một tâm lý xã hội. Người ta thấy ngành thuế béo bở, ngành thuế đang tuyển thì nộp hồ sơ vào.

Nhưng trong số đó cũng có người muốn thử thách tài năng. Có những thanh niên không chạy đua tìm việc làm bằng con đường đút lót, dựa vào thần thế mà họ tự thử thách mình bằng con đường thi thố. Cần phải biểu dương tinh thần đó. Điều đó cho thấy tâm lý xã hội của người dân đa dạng nên cần đến công tác tuyên truyền, giáo dục, mở ra các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Qua đây cần suy nghĩ về trách nhiệm lãnh đạo quản lý của tổ chức Đảng, chính quyền.

Đảng và Nhà nước cần phải có kế hoạch tạo việc làm cho nhân dân nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng, phải hướng dẫn, động viên người dân để bất kỳ công việc nào cũng có người đến làm. Chúng ta chưa có chính sách hợp lý, chưa tạo được công ăn việc làm hợp lý, dẫn đến nghịch lý thừa thầy thiếu thợ. Hiện nay nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ở ta còn rất lớn. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường, phải có cung thì mới có cầu, không tạo cầu thì cũng không có cung. Đó là hệ thống liên hoàn đòi hỏi Nhà nước với vai trò “bà đỡ khéo tay” là rất quan trọng.

PV: Thi tuyển công chức là một bước tiến để công khai tìm người vào làm việc trong bộ máy công quyền. Thế nhưng, ở không ít nơi, thi tuyển chỉ là hình thức, còn thực chất, những người có quan hệ thân tín, có tiền đã được “nhắm” trước. Vụ việc liên quan đến tiêu cực ở Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương là một ví dụ. Vậy trách nhiệm để xảy ra tiêu cực thuộc về ai, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Vũ Quốc Hùng: Vai trò trước tiên là những người đứng ra tổ chức việc này. Chúng ta phê phán, lên án những người gian lận thi cử, nhưng đối tượng cần lên án hơn chính là những người tổ chức gian lận, những người chấp nhận gian lận, tạo điều kiện cho gian lận, tức là những người lãnh đạo quản lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, ở nhiều nơi, các vụ việc tiêu cực được phát giác đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ. Nếu ở đó có thỏa hiệp nội bộ thì kể cả có tiêu cực cũng chỉ người trong cuộc biết. Vậy thì làm sao để các vụ việc này được đưa ra ánh sáng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đó là hiện tượng thường xảy ra. Nhưng không phải là tất cả. Những tổ chức kém cỏi thì không tự phát hiện ra tiêu cực, để có đơn thư của quần chúng mới xử lý. Nhiều đơn thư tố cáo phải giấu tên, đó là biểu hiện người tố cáo sợ bị trù dập. Hiện tượng trù dập người tố cáo đã từng xảy ra khá phổ biến. Báo CAND cũng đã nêu nhiều vụ việc như vậy rồi. Phải làm thế nào để những người lãnh đạo tự phát hiện, tự xử lý là điều rất quan trọng. Khi ghét nhau thì mới bới nhau ra, đấy cũng là biểu hiện của sự kém cỏi, đáng xấu hổ!.

Cũng phải nói rằng, nếu trong cơ quan thỏa hiệp lẫn nhau để tồn tại, trong nội bộ như “ung nhọt” thì cũng nguy hiểm. Đừng vội nghĩ nơi bung ra cái “ung nhọt” ấy là xấu, mà vội vàng chê bai. Mất đoàn kết là xấu, nhưng bung ra là tốt để chấn chỉnh đoàn kết. Cho nên những nơi đoàn kết giả tạo, thống nhất giả tạo, các tổ chức lãnh đạo phải soi tới, nhìn thẳng vào đó và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, khi cần thì điều tra. Chủ động phát hiện tiêu cực, đừng vì bệnh thành tích, sỹ diện mà giấu giếm. Việc này phải chủ động tiến hành thường xuyên. Nếu công tác này làm tốt thì mầm mống tiêu cực được ngăn chặn, hay nói cách khác đó là chủ động phòng ngừa.

PV: Tiêu cực từ thi tuyển công chức sẽ để lại hậu quả lớn. “Đầu vào” kém thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công chức, chất lượng phục vụ nhân dân, đúng vậy không thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Cách thức thi tuyển ảnh hưởng tới chất lượng công chức, đó là điều đương nhiên. Các công chức, viên chức của ta hiện có một bộ phận nghiệp vụ không tinh thông, thái độ hờ hững nên cần phải xem lại. So với nhiều nước trong khu vực về tinh thần phục vụ, thái độ phục vụ, kỹ năng phục vụ của ta kém họ rất nhiều. Nếu tuyển chọn những người không đúng tiêu chuẩn vào thì làm sao công chức có chất lượng được.

PV: Vậy thì làm thế nào để có công bằng xã hội từ chính sách cho đến thi tuyển công chức, xử lý vi phạm?

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta đã có Luật Công chức, nhưng vấn đề là có thực hiện nghiêm túc theo Luật này không, người lãnh đạo có dám nhìn thẳng vào cái sai mà xử lý hay không? Đừng vì một sức ép nào mà nể nang, bỏ qua vi phạm. Người lãnh đạo phải nghiêm túc tiến hành thẩm tra, xác minh, phát hiện sai phạm, xử lý đàng hoàng, công khai cho nhân dân biết. Công dân muốn đỗ công chức thì phải chịu khó rèn luyện, học tập. Cơ quan tiếp nhận không được nể nang, phải thi tuyển đúng tiêu chuẩn tiêu chí, phải khuyến khích tổ chức thi công chức bằng hình thức thi tuyển công khai, minh bạch, nghiêm túc.

Trước đây, ở cương vị lãnh đạo cơ quan, tôi đã từng trực tiếp tham gia tuyển đến cả lái xe. Như vậy có ôm đồm không? Tôi khẳng định là không. Tôi thực hiện cùng anh em thôi, để chống tiêu cực, chọn đúng người, để hiểu và bố trí công việc, không bị nể nang, tránh mọi tiêu cực.

Có nhiều cách để thi cử minh bạch, chất lượng, chỉ có điều là ta muốn hay không, thật lòng muốn làm nghiêm túc, công minh hay không?

PV: Vậy thì đối với các công chức đang làm việc trong cơ quan Nhà nước thì sao? Nhiều người đi ngược lại tiêu chí là “công bộc” của dân, chúng ta cần làm gì để khắc phục, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Bây giờ là lúc cần kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công chức đã ở lâu trong ngành. Tất cả các ngành cũng phải xem lại trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của cán bộ từ xã, phường đến Trung ương để tránh tình trạng vô trách nhiệm với dân, xa dân, khinh dân. Chúng ta đang kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, xây dựng tổ chức Đảng “trong sạch, vững mạnh”, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu” thì đây là lúc thể hiện. Đừng để tình trạng nói nhiều làm ít, làm sai nhiều, mất lòng tin của dân.

Tiêu cực trong thi tuyển công chức chỉ là một khía cạnh. Tôi thấy, điều quan trọng là phải làm thế nào để khôi phục tính trung thực trong cuộc sống. Khi ở chỗ này, chỗ khác diễn ra trào lưu sự giả dối thì chúng ta cần giáo dục tính trung thực cho mọi thế hệ, mọi lứa tuổi. Chúng ta phải phát hiện, lên án những người gian dối, tìm mọi cách để được vào vị trí mà năng lực, phẩm chất của họ không tương xứng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.