Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn có khả năng

Thứ Bảy, 13/10/2018, 16:20

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại họp báo công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 diễn ra ngày 13-10 tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch à Đầu tư phối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp.



Mỗi năm tăng 10,5% số doanh nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 1-7-2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục thuế. Đây là những doanh nghiệp nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục thuế có mã số thuế, không tính những doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. 

Trong số đó có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý của thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.

Trong tổng số 674.759 doanh nghiệp có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất hoặc có chi phí hoạt động sản cuất kinh doanh; có 80.948 doanh nghiệp tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh; có 33.394 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể.

Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tại thời điểm 31-12-2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thơi điểm 31-12-2016. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Năm 2017, cả nước có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016.

Lần đầu tiên công bố chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Về lợi nhuận trước thuế và đóng góp vào ngân sách nhà nước, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Những địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp năm 2017 so với năm 2016 trên 100% gồm Hưng Yên, Nam Định, Lào Cai, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận. 

Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 954,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2016. Những địa phương có quy mô đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp gồm TP Hồ Chí Minh 231,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% cả nước;  Hà Nội 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,7%; Bà Rịa-Vũng Tàu 53,6 nghìn tỷ đồng chiếm 5,6%... 

Thu nhập bình quân tháng một lao động năm 2017 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016. Các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động cao nhất cả nước là những địa phương thuộc các trung tâm kinh tế lớn thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất những năm qua gồm Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 10,4 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh đạt 9,85 triệu đồng, Hà Nội đạt 9,19 triệu đồng, Bắc Ninh đạt 8,98 triệu đồng… Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm tăng 10,5% số doanh nghiệp.

Sẽ có sách trắng về thực trạng doanh nghiệp

Phát biểu tại họp báo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là năm đầu tiên bộ chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp được công bố vào đúng ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Việc công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương sẽ là sự kiện thường niên được tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, việc công bố bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Các bộ, ngành sử dụng bộ chỉ tiêu để đánh giá, rà soát lại xem từng lĩnh vực từng ngành, giải pháp trong thời gian tới như thế nào. 

Các địa phương cũng sẽ có phân tích đánh giá, rà soát thực trạng doanh nghiệp địa phương mình đồng thời chỉ đạo ngành thống kê địa phương trong cung cấp thông tin về chỉ số đánh giá doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là Tổng cục Thống kê nhanh chóng hoàn thiện sách trắng về thực trạng doanh nghiệp trong quý IV/2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, cần cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh. Quy định pháp luật có tốt đến mấy nhưng đội ngũ thực thi, thực hành vẫn gây ra những phiền toái với doanh nghiệp thì chưa thể nói là cải thiện thực chất. Cùng với việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh thì không được “đẻ” ra những thủ tục, điều kiện kinh doanh mới. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp từ lúc xin giấy phép thành lập mới, hoạt động và ngay cả khi giải thể. Để đáp ứng được mục tiêu khoảng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ngoài cải thiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chúng ta cần sửa đổi lại luật về thuế, có những quy định để khắc phục tình trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp…


Mai Hương
.
.
.