Nhân 108 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2015):

Một mẫu mực về đức tính cẩn thận

Thứ Hai, 09/02/2015, 07:29
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) là "kiến trúc sư" của sự nghiệp Đổi mới cách đây gần ba chục năm. Chúng ta đã và đang tiến hành tổng kết để kỷ niệm sự kiện quan trọng này. Riêng những công lao to lớn của ông, với tư cách là người đứng đầu đất nước và cũng là người khởi xướng, rồi sẽ được lịch sử ghi nhận xứng đáng. Bởi nếu không có sự đột biến về đổi mới tư duy sáng suốt ngày đó của ông cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đất nước chúng ta không hiểu sẽ ra sao?

Bài viết này, nhân kỷ niệm 108 năm Ngày sinh của ông, tôi lại muốn nhắc tới những câu chuyện khác, qua đó thấy được ở một con người kiệt xuất như ông, những thành công lớn luôn bắt đầu từ những nếp nghĩ, nếp làm việc cực kỳ cẩn thận, giản dị và tưởng như rất nhỏ.

Từ chuyện cẩn trọng trong câu chữ...

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có kể lại một vài câu chuyện về sự cẩn thận trong câu chữ ở một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt nhớ lại, trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội 6, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và đích thân sửa từng chữ, từng câu trong dự thảo văn kiện.

"Qua thực tiễn công việc sau này, càng thấy chi tiết có vẻ mang tính kỹ thuật đó rất quan trọng, cần thiết" - ông nói - "Đối với các tài liệu liên quan tới các chủ trương lớn, nếu người lãnh đạo không trực tiếp cho định hướng rõ ràng mà chỉ" giao khoán" cho anh em biên tập thì sau này, dù có sửa đi sửa lại cũng khó đạt đúng tầm cần thiết, mong muốn. Cuối giai đoạn chuẩn bị, cần dành thời gian xem xét tỉ mỉ tới từng câu, từng chữ để bảo đảm mọi ý đều được thể hiện.

Trong số các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông nổi tiếng là người rất kỹ tính trong việc sử dụng câu chữ. Tôi có một kỷ niệm khó quên, quãng đầu năm 1976, trong một buổi họp với lãnh đạo thành phố, đồng chí Trường Chinh nói riêng với tôi cần lưu ý tới một nhân vật đang sống ở thành phố.

Tôi giở sổ ghi tên nhân vật này. Do thói quen, tôi ghi nhân vật này thành "Nguyển" thay vì "Nguyễn". Ngồi cạnh tôi, ông bảo: "Đồng chí viết lộn rồi, dấu ngã chứ không phải dấu hỏi".

Không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng "ớn" sự chặt chẽ, nguyên tắc của đồng chí Trường Chinh. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, trên thực tế, kể cả trong bài hát, trong tác phẩm văn, thơ, mọi người đã gọi Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh. Nhân dân thành phố coi đó là niềm tự hào lớn.

Năm 1976, trước khi Quốc hội "cả nước thống nhất" họp, Thành ủy xin ý kiến của đồng chí lãnh đạo chủ chốt phương án đề nghị Quốc hội công nhận tên gọi của thành phố là TP Hồ Chí Minh. Nhiều đồng chí tỏ thái độ đồng tình phương án này. Đồng chí Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Quốc hội -NV) nói: Lịch sử phải thành văn. Chưa có văn bản có giá trị pháp lý nào đặt tên mới cho Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, Quốc hội phải quyết định đặt tên mới cho thành phố chứ không chỉ công nhận tên gọi đó. Vấn đề càng lớn càng phải làm đúng Hiến pháp và pháp luật.

Trong ký ức tôi, cố Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là một nhà lãnh đạo uyên thâm, đáng kính. Ông là tấm gương lớn về nghị lực, nguyên tắc. Ông chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng Đổi mới mà còn đóng góp lớn cho việc giữ gìn kỷ cương trong Đảng...

...Có một thực tế, đồng chí Trường Chinh không ở chiến trường miền Nam nên một số đồng chí ở Nam Bộ dù rất kính trọng nhưng ít gần gũi, thân mật với đồng chí. Ấy vậy mà trong thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội 6, một số đồng chí đã lặn lội từ miền Nam ra, xin gặp để "năn nỉ" đồng chí tiếp tục làm Tổng Bí thư tiếp. Điều mà không ai có thể hình dung được trước đó" - Đồng chí Võ Văn Kiệt kể.

Chi tiết trên sẽ càng giúp ta "giải mã" rõ hơn: Những năm 1985 - 1986, khi con thuyền cách mạng đang gặp khó khăn chồng chất vì kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát thì tư duy xuất thần của nhà lý luận Trường Chinh, với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng (thay Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời) khi đã ở tuổi 79 đã tỏa sáng đúng lúc. Ông cho rằng Đổi mới lúc này mang ý nghĩa sống còn, nhưng cần phải biết bắt đầu từ đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.

Vậy mà nay, công cuộc Đổi mới đã ba chục năm.

Riêng với cá nhân tôi, là người cũng vinh hạnh được ông cho gọi tới chơi nhiều lần với tư cách là con cháu trong họ, từ khi còn là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến sau này, khi đã đi làm. Song, có một kỷ niệm và cũng là ấn tượng đối với tôi về đức tính cẩn thận của một lãnh tụ thật khó hình dung nổi.

Đó là vào năm 1974, khi tôi còn là sinh viên. Biết tôi học ngành Văn học, ông tặng tôi cuốn sách vừa tái bản "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam". Lúc ông tặng tôi, ông chủ động mở 2 trang sách có lỗi, đó là trang 15 và trang 100 rồi lấy 2 cây bút bi ra, để lên bàn. Ông chỉ cho tôi lỗi của câu đó (trang 15) rồi lấy bút đỏ gạch chữ in sai đi, kéo ra bên lề trang sách, sau đó lại dùng cây viết màu xanh viết lại, thay chữ "trong" thành chữ "của". Về mặt ngữ nghĩa, có lẽ cũng không mấy ai để ý như thế nào mới là chuẩn. Nhưng đúng là đối với ông, một nhà lý luận, chặt chẽ từng câu chữ thì điều này quả là đã được ông cân nhắc kĩ. Điều đáng nói hơn, lẽ ra việc đó, ông sẽ giao cho ai đó sửa luôn một thể. Nhưng với cách làm như ông, với người được ông tặng sách, lại mục kích nhìn ông sửa lỗi trên cuốn sách đó sẽ là một kỷ niệm nhớ đời.

...Đến sự tinh tế trong giao tiếp với cấp dưới

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được Đại tá Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Hải quân kể lại cho nghe về một kỷ niệm khó quên đối với ông. Đó là vào dịp Quân chủng Hải quân chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu (chiến thắng trận oanh kích của lực lượng Hải quân và Không quân Hoa Kỳ, ngày 5/8/1964 ở Vịnh Bắc Bộ).

Khi đó, ngày kỷ niệm thì đã tới cận kề mà không hiểu sao lá thư soạn sẵn của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi cho đồng chí Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vẫn chưa xin được chữ kí của ông. Bí quá, sợ lỡ kế hoạch, Chuẩn Đô đốc Văn Giang, Phó Tư lệnh phụ trách Chính trị của Quân chủng bèn nảy ra sáng kiến, triệu thêm Đại tá Định đi cùng lên tận nhà Chủ tịch để "nhắc" cụ cho sớm lá thư vì ông biết Đại tá Định khi còn ở Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị là người rất hay được Chủ tịch Trường Chinh cho tới để đàm đạo lý luận với tư cách con cháu trong nhà.

Hôm gặp, Chủ tịch Trường Chinh nói luôn: "Không có chuyện tôi quên mà chưa ký đâu. Lý do là trong lá thư các đồng chí chuẩn bị, tôi thấy có ý cần hỏi thêm các đồng chí để sửa lại một chút cho hoàn chỉnh. Thấy chưa cận ngày mà tôi thì cũng bận nên chưa hỏi lại đó thôi. Nay các đồng chí có đây rồi thì ta trao đổi kỹ hơn rồi tôi sửa...".

Vừa tâm sự công việc, Chủ tịch vừa xoay lại chiếc tách trà còn nóng hổi vừa được người phục vụ mang lên. Do sơ suất, người phục vụ lại không xoay chiếc quai của tách trà ra cho khéo nên nó lại nằm ở phía không tiện tay cho khách, ông liền nhẹ nhàng xoay lại, để cho chiếc quai đó sang phía bên tay phải của vị Phó Tư lệnh, rất tinh tế. Sự cẩn thận, ý nhị và chu đáo của người đứng đầu Hội đồng Nhà nước quả là bất ngờ với cả 2 vị khách.

Chỉ một động thái rất đơn giản như thế, họ đủ thấy ở ông một sự cẩn thận trong ứng xử với cấp dưới và với câu chữ đến nhường nào.

Nghĩ lại càng thấy cảm phục một người đã từng đứng đầu đất nước có tầm nhìn và sự cẩn trọng, rất tinh tế. Nhất là ở con người ấy, với 2 lần đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, lại là những lúc Tổ quốc gian nan nhất, như thời kỳ Tổng khởi nghĩa, rồi cả trong đêm trước của Đổi mới (1985-1986) đã đưa dân tộc ta vượt qua sóng gió, đi tới độc lập, tự do và hạnh phúc. Song, ở con người đặc biệt ấy, cả những chuyện tưởng là rất nhỏ kia, nó đều không nhỏ chút nào trong một nhân cách lớn - một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam.

Quốc Phong
.
.
.