Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc:

Một kết quả tốt đẹp

Thứ Ba, 19/11/2013, 11:32
Trong mấy ngày qua, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) của Liên hợp quốc (khóa 2014-2016) với những tình cảm khác nhau và thái độ chính trị khác nhau. Ở trong nước, cán bộ, đảng viên và tuyệt đại đa số nhân dân tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người (QCN). Trong khi đó đáng ngạc nhiên, những nhà “dân chủ, nhân quyền mạng” thì bày tỏ sự bực tức.

Có thể nói, đối với Việt Nam, kết quả bầu cử ngày 12/11 tại trụ sở chính của Liên hợp quốc (New York, Mỹ) là một kết quả tốt đẹp. Có lẽ điều đáng mừng không phải vì chúng ta nằm trong số 4 ứng cử viên của khu vực châu Á (cùng với Trung Quốc, Maldives, Arab Saudi) mà vì Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu bầu, bằng 95,8%) trong tổng số 14 quốc gia.

 Hơn nữa Việt Nam trúng cử trong bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế phức tạp. Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội tuy đã đạt được những thành tựu nhất định song vẫn còn nhiều vấn đề chưa được xử lý. Chẳng hạn, các vụ án tham nhũng lớn đã được thông báo nhưng chưa được xét xử. Một số vụ việc liên quan trực tiếp đến QCN trên lĩnh vực y tế, sức khỏe, quyền của người tiêu dùng (như vệ sinh, an toàn thực phẩm, giá thuốc chữa bệnh, giá sữa cho trẻ em...) làm bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém trong quản lý nhà nước của một số ngành và địa phương,     gây bức xúc trong nhân dân. “Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng với sự xuống cấp của các giá trị văn hóa, tình trạng phân cực giàu nghèo, khiếu kiện đông người,... có xu hướng ngày càng tăng. Các nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo không những không giảm mà có mặt còn trầm trọng hơn” (Bài bế mạc Hội nghị Trung ương 8). Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá cao trên lĩnh vực nhân quyền. Trong thời đại thông tin kỹ thuật số, người ta tưởng như có thể đổi trắng, thay đen, lật trái thành phải,… nhưng không phải như vậy, cộng đồng quốc tế vẫn có quan điểm của mình mà không dễ gì các MC “dân chủ, nhân quyền mạng” có thể dẫn dắt.

Trong khi đó, các thế lực chống phá ở trong và ngoài nước trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị với những thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn. Đặc biệt trong thời gian gần đây, lợi dụng cuộc vận động toàn dân tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, người ta đã xuyên tạc, vu cáo chế độ ta là “độc quyền Đảng trị”, Nhà nước ta đã vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm  tự do ngôn luận, báo chí, Internet… Có nhóm đã tiếp cận nhiều sứ quán, đại diện Liên hợp quốc để kiến nghị xem xét tư cách Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền. 

Human Rights Watch, tổ chức “sân sau”, người chủ yếu cung cấp cái gọi là các bằng chứng vi phạm nhân quyền cho các Dự luật nhân quyền Việt Nam thì hằn học “về thể lệ lựa chọn thành viên của Hội đồng nhân quyền” mà từ đó Việt Nam đã đắc cử(?!). Họ nói: “Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ… như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”… Một tổ chức mang danh nhân quyền khác, thì ví von việc Việt Nam và một số nước khác được trúng cử trong đợt này chẳng khác nào “kẻ chuyên phóng hỏa lại đứng đầu sở cứu hỏa”; một tổ chức khác thì la to “tiêu cực và nghịch lý”.

Vậy thực chất quan điểm, ý đồ chính trị của những tổ chức “nhân quyền” chống phá Việt Nam nói trên là gì?

Trước hết, những tổ chức này là công cụ của những lực lượng chính trị cầm quyền ở một số quốc gia. Họ dùng vấn đề nhân quyền như một công cụ để can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền, nhất là những quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của họ là từng bước đi đến thay đổi chế độ xã hội, chí ít là thay đổi “ê-kíp” lãnh đạo, đưa những quốc gia này vào quỹ đạo chính trị của họ. Thứ hai, về mặt pháp luật, họ tuyệt đối tính phổ quát của QCN, nhằm áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền phương Tây cho các quốc gia khác. Trong khi đó, luật quốc tế về quyền con người cho phép các quốc gia có quyền lựa chọn chế độ xã hội, có quyền đưa ra những hạn chế luật định đối với những quyền liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng… chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tự do lập hội, hội họp… Pháp luật ở các quốc gia khác đều có những hạn chế này. Có thể khẳng định rằng hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến nay đã tương thích với luật quốc tế về quyền con người.

Đối với Đảng và Nhà nước ta, QCN là giá trị chung của các dân tộc, là thước đo của sự tiến bộ xã hội. Bảo đảm và nâng cao sự hưởng thụ các QCN, trước hết thuộc trách nhiệm và cũng là quyền của mỗi nhà nước. Cơ chế quốc tế bảo vệ QCN dựa trên nguyên tắc: “bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước thành viên” (LHQ) Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “các văn kiện quốc tế cơ bản về QCN”, HN, 2002, Tr 20 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966, (Điều 1).

Lịch sử gần 70 năm qua (1945-2013) cho thấy, con đường cách mạng Việt Nam đi từ lật đổ chế độ thực dân - phong kiến, giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền công dân và QCN. Các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ bảo vệ độc lập dân tộc, quyền sống còn của nhân dân. Ngày nay, tiếp nối con đường đó, trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện chiến lược kinh tế, xã hội nhằm nâng cao hơn nữa tất cả các quyền con người. 

Con đường phát triển của dân tộc ta, của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta phải do nhân dân ta tự quyết định. Những ảo tưởng lợi dụng các quan hệ quốc tế để áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền “ngoại nhập”, cũng như sử dụng những hành vi “lách luật”, phi pháp nhằm thực hiện những ý đồ đen tối như nêu trên của các thế lực thù địch chắc chắn sẽ thất bại thảm hại

V.N.
.
.
.