Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Quảng Ninh:

Mọi việc đã hoàn tất

Thứ Sáu, 09/05/2008, 08:05
Bất chấp những luận điệu vu khống của các thế lực thù địch đối với nhà nước ta, Liên hợp quốc vẫn xác định Việt Nam là đất nước tự do tôn giáo, điểm hội tụ an toàn để tổ chức các sự kiện quốc tế. Đại lễ Phật đản 2008 là sự kiện lớn nhất của Phật giáo toàn cầu sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ 13/5 đến 17/5.

Một trong những nội dung hoạt động của đại lễ được tiến hành tại khu di tích Yên Tử thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Từ nhiều tháng qua, công tác chuẩn bị đã được thực hiện với nỗ lực rất cao. Đến nay, mọi việc đã hoàn tất.

Nếu như hầu hết chương trình nghị sự chính của Đại lễ được tổ chức tại Hà Nội thì tại di tích Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh lại là nơi biến các nội dung mang tính lý thuyết thành hành động cụ thể vào 2 ngày cuối cùng của Đại lễ (17 và 18/5).

Theo ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, đến giờ phút này, danh sách Ban tổ chức đại lễ Phật đản của tỉnh nhận được sẽ có khoảng 1.000 đại biểu đến Quảng Ninh, trong đó chủ yếu là các vị chức sắc Phật giáo.

Ngoài các nghi lễ thuộc về Phật sự được tiến hành tại chùa Trình, các đại biểu sẽ thực hiện trồng mới rừng trúc tại khu vực chùa cả Hoa Yên. Khác với nghi thức trồng cây gây rừng bình thường, việc khởi tạo rừng trúc ở Yên Tử còn có ý nghĩa, Yên Tử, nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm tam tổ từ vua Trần Nhân Tông sẽ ghi nhận dấu ấn là điểm đến đáng được ngưỡng mộ và kính trọng đối với Phật giáo quốc tế. Rừng trúc không chỉ tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường mà còn hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tâm linh, nơi gieo mầm thiện tích phước lộc để chúng sinh an hưởng thái bình.

Tiếp đó, Đoàn sẽ tham quan du lịch vùng thắng cảnh vịnh Hạ Long, tận mắt chứng kiến vùng vịnh xinh đẹp kỳ ảo, nơi hiện dẫn đầu danh sách bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, nơi đã 2 lần được tổ chức UNESCO-LHQ công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Để đón nhận sự kiện này, từ nhiều tháng nay, công tác trù bị tổ chức luôn là mối quan tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu đề ra: Không cho phép để xảy ra bất kỳ sự khinh suất nào làm ảnh hưởng đến nội dung hoạt động của Đại lễ. Tất cả các phần việc mang tính "hậu cần", từ đường đi lối lại, nơi ăn chốn ở đã được dốc sức đầu tư quy mô lớn kể cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tuyến cáp treo số 2 (từ chùa Một Mái lên tượng An Kỳ Sinh) trước đó bị sét đánh gây hỏng hóc nay cũng đã được đơn vị chủ quản là Công ty Tùng Lâm khẩn trương sửa chữa, thay thế kịp đưa vào phục vụ Đại lễ.

Ước tính hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư vào công tác chuẩn bị. Đây là số tiền lớn đối với địa phương. Song, nếu biết rằng, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Uông Bí và Quảng Ninh đã tự nguyện xin được gánh vác những việc cần thiết với tinh thần phụng sự Phật pháp, sẵn sàng chịu lỗ hoặc không hề đòi hỏi phần thù lao.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đặng Văn Chấn, Trưởng Công an thị xã Uông Bí cho biết, xác định đây là sự kiện lớn và đặc biệt chưa từng có ở Quảng Ninh, do đó, bên cạnh ý nghĩa lớn còn là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với lực lượng Công an nói chung và Công an thị xã nói riêng. Trong đó, mục tiêu bảo vệ hàng đầu là sự an toàn tuyệt đối của các vị đại biểu.

Ngoài ra, trên phương diện xã hội, sự kiện này sẽ thu hút rất nhiều tăng ni, phật tử, khách du lịch trong nước và quốc tế đến Yên Tử. Ý thức được tính chất sự kiện nên lãnh đạo Công an thị xã đã thống nhất phải tập trung quân số với mức ưu tiên cao nhất tác nghiệp toàn diện từ ANTT, ATGT đến các phương án phòng chống cháy nổ, vệ sinh ATTP...

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ, phương án nêu trên, không gì khác là động viên cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị hãy dốc sức. Đó cũng là một đóng góp thiết thực nhất của ngành Công an đối với sự kiện lớn của cả nước.

Mặt khác, sự tận tụy hết mình vì công việc của lực lượng Công an, sao cho Đại lễ thành công tốt đẹp nhất cũng là cách để ghi dấu ấn trung thực nhất đối với các vị khách quốc tế rằng Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo, có tự do tín ngưỡng, nơi các nhà chân tu có thể hành đạo, mang điều thiện, gieo phúc ấm đến muôn nhà.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng:
Có khoảng 3.500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự Đại lễ Phật đản

Tại cuộc họp báo chiều 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng cho biết, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (được gọi là Đại lễ Vesak) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến ngày 17/5.

Đại lễ Vesak năm nay có chủ đề "Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đây là hoạt động tôn giáo, văn hoá quốc tế được Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc tế IOC tổ chức.

Dự kiến, có khoảng 3.500 đại biểu của Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành trong nước và của nước ngoài sẽ tới dự Đại lễ Vesak 2008.

Tên gọi Đại lễ Vesak xuất phát từ tên gọi tháng 4 của năm theo lịch Ấn Độ với quan niệm là tháng Vesak là tháng linh thiêng với 3 sự kiện quan trọng gắn với thân thế và sự nghiệp của Đức Phật.

Tại phiên họp lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1999, theo đề nghị của 34 nước có đạo Phật, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là lễ hội văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc.

Đại lễ nhằm tôn vinh giá trị đạo đức, văn hoá, tư tưởng hoà bình, đoàn kết, hữu nghị của Đức Phật và từ năm 2002 trở đi các hoạt động tổ chức Đại lễ Vesak được tổ chức hàng năm trên thế giới. Đại lễ Vesak sẽ gồm một số hoạt động chính sau.

Trước hết, lễ khai mạc Đại lễ sẽ được tổ chức vào ngày 14/5 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Trong khuôn khổ Đại lễ có các hoạt động khác như hội thảo chuyên đề, thuyết trình về các chủ đề như Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số, sự đóng góp của Phật giáo về kinh tế và phát triển phúc lợi.

Trong thời gian Đại lễ còn có các hoạt động triển lãm, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, hội chợ, rước xe hoa, thả đèn lồng. Và các đại biểu sẽ đi thăm thắng tích Phật giáo tại Yên Tử, vịnh Hạ Long và khu văn hoá Phật giáo Bái Đính, Ninh Bình. Đại lễ Vesak sẽ bế mạc vào ngày 17/5 cùng với lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định, Đại lễ Phật đản lần này sẽ thể hiện 5 phương diện: phương diện tín ngưỡng; phương diện văn hoá; phương diện khoa học; phương diện tu tập; phương diện du lịch văn hoá tâm linh, quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Dự kiến, có khoảng 2.000 đại biểu là Phật giáo, quan chức, học giả, tăng ni, phật tử Việt kiều đến từ hơn 80 quốc gia. Khách trong nước có khoảng 1.500 đại biểu.

Với chủ đề "Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", các đại biểu sẽ tham dự nhiều hội thảo xoay quanh các nội dung chính: Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh và xây dựng thế giới hoà bình, an lạc; sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; chăm sóc môi trường, giải pháp của Phật giáo về thay đổi khí hậu; vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo; diễn đàn giáo dục Phật giáo - sự kế thừa và phát triển; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

"Với Đại lễ Phật đản đã được chuẩn bị chu đáo, đây sẽ là minh chứng khẳng định chính sách tự do tôn giáo, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta, góp phần đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, vu cáo vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm phá hoại công cuộc đổi mới ở nước ta" - ông Nguyễn Thế Doanh khẳng định.

                                                                      (Q.Trung - Phan Đăng)

Lê Minh Triết
.
.
.