Tháng “Vì nạn nhân chất độc da cam”:

Mọi trái tim không thể bình yên

Chủ Nhật, 14/08/2011, 15:35
Liên tiếp trong những ngày này, kỷ niệm 50 năm quân đội Mỹ thả chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam đồng thời mở đầu tháng “Vì nạn nhân chất độc da cam”, khắp nơi vang lên những tiếng nói từ đáy lòng, khẩn thiết kêu gọi hành động vì các nạn nhân, yêu cầu công lý phải sớm được thực thi đối với các nạn nhân chất độc da cam...

Cuộc đi bộ của hơn một vạn người tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về nạn nhân chất độc da cam/dioxin lấy chữ ký và ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, mit tinh nhân 50 năm ngày “Da cam Việt Nam” với sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo trong nước, khách nước ngoài và hàng nghìn cuộc giao lưu, gặp gỡ chia sẻ, đền ơn đáp nghĩa; hàng nghìn chương trình phát thanh, truyền hình, bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đã mang đến cho những ngày này không khí sôi sục chưa từng có trong hành trình đòi công lý, xoá bỏ nỗi đau da cam, làm ấm lòng hàng triệu con tim. Dù toà án Mỹ trước mắt chưa chấp nhận, các công ty sản xuất chất da cam chưa đền bù nhưng cuộc đấu tranh không vì thế mà dừng lại, nó ngày càng mạnh mẽ, thu hút được sự ủng hộ của cả cộng đồng và nhất định sẽ thắng lợi.

Đấu tranh vì nỗi đau da cam là cuộc đấu tranh vì con người và vì thiên nhiên trên đất nước Việt Nam cũng như của toàn thế giới. Trong 10 năm, quân đội Mỹ đã rải chất độc hoá học, trong đó 61% là chất da cam có 366kg dioxin xuống 26.000 thôn bản, cánh rừng, trên diện tích 3,06 triệu hécta đất, chiếm gần ¼ diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Chất độc hoá học Mỹ đã khiến 4 triệu người bị phơi nhiễm trong đó 3 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân và các thế hệ tiếp sau.

Theo thống kê mới nhất vừa được công bố của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã xuất hiện thế hệ nạn nhân thứ 4 của chất độc da cam do di truyền; có 85% số gia đình nạn nhân có từ 2 người bị phơi nhiễm trở lên. Với các cháu thế hệ sau của những nạn nhân, 46% mắc các chứng bệnh tâm thần; 26% dị tật, dị dạng như mù,câm, điếc, què tật…; 32% không đủ trí tuệ và sức khoẻ tự phục vụ các sinh hoạt cá nhân.

Hàng trăm nghìn người trong số này đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Họ là những người nghèo nhất trong số các người nghèo, là những người đau khổ nhất trong số những người đau khổ và chưa biết số phận này còn đeo đuổi họ đến khi nào. Họ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh hoá học thảm khốc nhất, lâu nhất, rộng nhất trong lịch sử loài người mà bất kỳ một người có lương tâm nào trên thế giới không thể không kiên quyết ngăn chặn. Họ là những sinh linh đau khổ mà bất kỳ ai cũng phải mủi lòng, thấy mình có trách nhiệm phải chia sẻ, gánh vác trách nhiệm.

Chất độc da cam - dioxin đã để lại nhiều hậu quả nặng nề với người dân Việt Nam.

Nhận thấy tác hại nghiêm trọng của chất độc da cam với sức khoẻ con người và môi trường, ngay từ tháng 10/1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã ra đời và từ đó đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản quan trọng, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định liên quan đến công việc được đánh giá là “vừa lâu dài, vừa quan trọng, cấp bách” này.

Với chủ trương nhất quán đó, gần 1 triệu nạn nhân chất độc da cam đã được xác minh, trợ cấp; 50% gia đình nạn nhân đã được hỗ trợ; hàng năm Chính phủ đã chi 50 triệu USD cho các nạn nhân, ngoài ra các tổ chức quốc tế, các tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài nước đã chi hàng trăm tỷ đồng nữa để giảm bớt một phần nỗi đau da cam mà các nạn nhân đang phải gánh chịu. Ngay Chính phủ Mỹ cũng đã tăng chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu tác hại, tẩy rửa môi trường từ 3 triệu USD lên 15 triệu rồi 34 triệu USD trong 5 năm gần đây.

Với sự hợp tác của Chính phủ Mỹ, việc đánh giá tác hại của dư chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng, nơi được quân đội Mỹ trước đây dùng làm kho chứa chất độc hoá học tại khu vực miền Trung Việt Nam với chi phí hàng chục triệu USD, liên quan đến 28.000 hộ dân trên địa bàn cũng đang được tiến hành.

Nhưng những cố gắng đó còn rất nhỏ bé so với số chi phí cần có để nghiên cứu, tẩy rửa môi trường, giúp đỡ nhân đạo các nạn nhân da cam. Để làm được công việc khổng lồ, có ý nghĩa nhân đạo rộng lớn bậc nhất trong lịch sử loài người này, cần sự trung thực lịch sử, hợp tác toàn diện của nhiều chính phủ, tổ chức, cá nhân trên thế giới, trước hết là các công ty sản xuất chất độc hoá học và người sử dụng nó, quân đội Mỹ, theo lệnh của Chính phủ Mỹ thời kỳ đó. Ngoài việc hỗ trợ đời sống hiện tại, cần sớm tìm ra và áp dụng các phương pháp tẩy rửa tác hại của chất diôxin trong đất, nước, sinh vật và nhất là trong cơ thể con người để hạn chế, đi đến vô hiệu hoá di hại của chất dioxin qua con đường di truyền; chữa bệnh; bố trí công ăn việc làm cho các nạn nhận và gia đình họ.

Ấm lòng hơn vì được cổ vũ nhưng cũng thấy trách nhiệm nặng nề hơn đối với các nạn nhân chất độc da cam trong những ngày này. Và bài báo này có muộn chăng? Không! Vì cuộc đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam còn rất lâu dài, còn cần thêm nhiều hơn nữa những tiếng nói đòi công lý, tham gia vào việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam một hành động vừa là theo đạo lý uống nước nhớ nguồn, vừa là theo tiếng gọi của lòng nhân ái, của tình người

Duy Vũ
.
.
.