Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt

Thứ Tư, 31/01/2018, 14:07
Ngày 31-1 tại hội trưởng Thống Nhất, Ban Chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã cùng TP Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.


Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị - Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ ngành, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng đông đảo đồng bào, đồng chí của nhiều địa phương trên cả nước và TP Hồ Chí Minh cùng tham dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí dự lễ kỷ niệm.

Ôn lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc cách đây tròn 50 năm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, đêm 30 rạng sáng ngày 31- 1-1968, lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vang dội Xuân Mậu Thân 1968.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đứng trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân đội và chư hầu vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam; nhanh chóng đánh bại quân chủ lực của cách mạng, giành lại thế chủ động trên chiến trường; bình định toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh Việt Nam trong tư thế “kẻ chiến thắng”…

Nắm vững thời cơ chiến lược, nhằm đánh sập ý chí của quân xâm lược, chủ động chuẩn bị cho mặt trận ngoại giao, Đảng và Bác Hồ đã xác định “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng cách tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại lễ kỷ niệm.

Thực hiện chủ trương này, quân và dân ta đã khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị; bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ; đánh thẳng vào 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau cũng như hầu hết các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu ác liệt vào tận sào huyệt của kẻ thù; đánh mạnh vào toàn bộ hậu phương, ở tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như là những căn cứ an toàn của địch. Những cơ quan đầu não, những mục tiêu quan trọng nhất mà kẻ thù huênh hoang coi là bất khả xâm phạm như Bộ tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, từ Dinh Tổng thống đến Đài phát thanh, Toà Đại sứ Mỹ đều bị ta tấn công quyết liệt.

Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao uy thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đã giáng một đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai; buộc chúng phải “phi Mỹ hóa” chiến tranh bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ đó, bằng những thắng lợi nối tiếp qua các chiến dịch, tại các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tại Thủ đô Hà Nội, Đảng, Quân đội ta và nhân dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, chuyển sang mục tiêu “đánh cho nguỵ nhào” và giành thắng lợi hoàn toàn vào Mùa xuân 1975 lịch sử.

Một tiết mục trong Lễ kỷ niệm. Ảnh: VOV.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là minh chứng hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Biết đánh và thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh hơn ta gấp nhiều lần, đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Là một nhân chứng lịch sử, người đã trực tiếp tham gia trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử và tự hào cách đây 50 năm. Ông cho biết, Sài Gòn là một trong những trọng điểm ác liệt nhất mà ông và các đồng chí, đồng đội của mình đã anh dũng chiến đấu, hy sinh.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong ông vẫn còn nguyên vẹn, mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta do Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo. Tự hào về lịch sử vinh quang của dân tộc, chúng ta cũng không quên sự hy sinh, mất mát to lớn của đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Trong giờ phút thiêng liêng của lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Văn Tàu đã bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi cửa ngõ Sài Gòn và những trận địa khốc liệt trong nội đô. Những tấm gương hy sinh anh dũng ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ông và các thế hệ người việt Nam hôm nay cũng như mai sau về truyền thống kiên cường, bất khuất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đức Thắng
.
.
.