Luật Lâm nghiệp sẽ giúp rừng có chủ thực sự

Thứ Sáu, 24/11/2017, 10:16
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) 2004, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã trao đổi với báo chí về một số điểm mới, khác biệt của Luật Lâm nghiệp.


Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, điểm mới trong Luật là, đổi mới việc thu Quỹ dịch vụ môi trường rừng. Trong những năm qua, Quỹ đã liên tục được tăng lên, nếu năm 2016 mới thu được 1.350 tỷ đồng thì đến năm 2017 này dự thu được 1.600 tỷ đồng và mục tiêu của năm 2018 là thu 2.000 tỷ đồng. Điều này tạo niềm tin cho thị trường, giúp có thêm kinh phí để chi trả cho các hộ dân được giao khoán, bảo vệ rừng.

- Thứ trưởng có thể chia sẻ những điểm mới cơ bản của Luật Lâm nghiệp so với Luật BVPTR 2004?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Dự thảo Luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm. 

Quy định như vậy đã thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Đây là một trong những điểm đổi mới quan trọng nhất so với Luật Lâm nghiệp năm 2004 và có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Luật BVPTR được ban hành từ năm 1991. Thời điểm đó, vấn đề BVPTR đặt ra rất bức bách khi độ che phủ rừng trên cả nước chỉ đạt 28%. Đến năm 2004, Quốc hội phê chuẩn Luật BVPTR 2004 thay thế luật năm 1991. Qua 2 lần sửa đổi, Luật này đã hoàn thành sứ mệnh nâng độ che phủ rừng và trồng mới được hàng triệu ha cây lâm nghiệp. Từ đó độ che phủ rừng đến nay đã đạt tới 40,84%. 

Không những vậy, tư tưởng xã hội hóa nghề rừng đã được hình thành. Thông qua thể chế, các văn bản dưới luật rất đầy đủ... đã tác động rất lớn đến ngành lâm nghiệp. Đặc biệt, trước đây, sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp trong nước phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu thì đến nay dù đã đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng hơn 70% nguyên liệu chúng ta đã chủ động được mà không phải nhập khẩu.

- Vậy vai trò của việc bảo vệ rừng có giảm đi trong Luật mới?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hoàn toàn không. Luật lần này mở rộng nhưng toàn bộ nội hàm của việc bảo vệ rừng có trong luật BVPTR cũ đều được giữ lại. Luật năm 2004 chưa chú trọng đến quản lý rừng theo chuỗi và vai trò của rừng đối với biến đổi khí hậu. 

Cùng với đó, hiện nay toàn ngành lâm nghiệp cũng đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nên cần có luật song hành thì mới đạt được hiệu quả thiết thực. Luật mới đã kế thừa những thành quả được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu hướng của quốc tế như xã hội hóa lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ thực sự.

Luật lần này khác các Luật trước là không chỉ hình thành rừng (trước đây chú trọng quản lý và bảo vệ, phát triển rừng) nhưng lần này là mở rộng đến thương mại. Đặc biệt là việc thể chế hóa xây dựng chiến lược phát triển kinh tế rừng trong bối cảnh hội nhập sâu sắc hơn. Việc sản xuất rừng quy mô lớn cũng được tính đến với nhiều cách thức, trong đó có tích tụ đất đai. 

Tuy nhiên, việc tích tụ đất đai cũng vẫn phải đảm bảo để người dân phải được giao rừng, việc giao rừng cho các doanh nghiệp và người dân cũng phải trên tinh thần tạo liên kết giữa người chế biến với người cung ứng và tiêu thụ, tạo phương thức quản trị có hiệu quả. 

Đặc biệt trong Luật Lâm nghiệp, từng loại chủ rừng sẽ được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.

- Luật Lâm nghiệp lần này cũng chuyển hướng khai thác lợi ích từ rừng sang sản phẩm phi gỗ - dịch vụ môi trường rừng, điều này có nghĩa như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: “Dịch vụ môi trường rừng” là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người, trong cơ chế thị trường, nhất là yêu cầu phát triển bền vững hiện nay các dịch vụ này được lượng hóa giá trị hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường. 

Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người đã tạo ra dịch vụ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng và được phân phối cho những người tham gia trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng.

- Đối với diện tích rừng còn tồn trong các công ty lâm nghiệp quốc doanh sẽ được Bộ xử lý như thế nào trong thời gian tới?

- Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trên thực tế, trong số 16,2 triệu ha đất rừng, hiện chỉ có 154 công ty lâm nghiệp quản lý khoảng 1,6 triệu ha, trong đó 86% là rừng tự nhiên và còn rất ít là diện tích đất trống. Định hướng sắp tới của chúng ta là tiếp tục sắp xếp lại còn 130 công ty theo Nghị định 118 của Chính phủ và trong lần sắp xếp này, đã lấy ra 500.000ha đất rừng để giao cho dân. Chúng tôi cố gắng sẽ hoàn thành việc sắp xếp xong các nông lâm trường quốc doanh vào tháng 6-2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Yến (Thực hiện)
.
.
.