Lòng tin và sự phát triển

Thứ Tư, 01/01/2014, 09:57
Thế giới khép lại năm 2013 với hàng loạt những bất ổn, xung đột nhưng hòa bình, đối thoại vẫn là xu hướng chung của nhân loại. Với Việt Nam, trong khu vực phát triển năng động, chúng ta tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và đặc biệt là thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập sâu rộng trên cơ sở xây dựng, phát triển lòng tin chiến lược.

Đất nước bước vào năm 2014 với những thành quả phát triển bền vững, thể hiện qua chỉ số GDP, các mục tiêu tăng trưởng cũng như những định hướng chiến lược cho cả giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, hai sự kiện chính trị, ngoại giao lớn sẽ thực thi kể từ năm 2014 đánh dấu bước ngoặt mới trong tiến trình phát triển. Thứ nhất, Hiến pháp 1992 sửa đổi chính thức có hiệu lực, bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn diện, là nền tảng pháp lý đưa đất nước tiến đến những kết quả, thành tựu vượt bậc, vững chắc. Thứ hai, đây cũng là năm đầu của nhiệm kỳ 2014-2016 với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ nỗ lực để tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên hiệp quốc. 

Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp, thực tế tôn trọng và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam.

Trong lộ trình đó, với bối cảnh chung của khu vực và thế giới là hòa bình, đối thoại, nhưng các yếu tố gây mất ổn định vẫn luôn tiềm ẩn, đe dọa, đòi hỏi Việt Nam cũng như các đối tác cần một niềm tin chiến lược. Điều này được khẳng định trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 2013(Singapore): “Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”. Phát biểu của Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn, thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực mà chúng ta cần phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.

Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Cánh cửa năm 2014 đã mở ra, chúng ta có lợi thế từ truyền thống dân tộc nghìn năm văn hiến, tinh thần đại đoàn kết, chung sức, chung lòng; nhưng cũng còn đó những khiếm khuyết nội tại từ chính bản tính con người và hạ tầng của nền kinh tế. Còn những thách thức khu vực và địa cầu vẫn mang tính quy luật khi các quan hệ bị ràng buộc bởi lợi ích và tính pháp lý, các vấn đề có tính gốc rễ căn cơ lâu đời. Giải quyết vấn đề đó không phải là chuyện của hữu hạn, của một năm và càng không phải là chuyện của một quốc gia đơn lẻ nào. Bởi thế, niềm tin chiến lược để cùng đối thoại, đàm phán như nêu trên là chìa khóa để tháo gỡ những “ổ khóa” này.

Hiến pháp 1992 sửa đổi tái khẳng định, lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm” (Điều 67 - Hiến pháp).

Quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 69 đã khẳng định mục tiêu: Năm 2014, lực lượng CAND nắm chắc tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội; giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; không để bị động, bất ngờ… Giữ vững an ninh các địa bàn chiến lược, trọng yếu. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, kiềm chế tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu và các sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Những đóng góp lớn lao của lực lượng CAND đối với sự ổn định, phát triển đất nước đã được khẳng định trong tiến trình phát triển và đó là nền tảng để tin tưởng những bước đi vững chắc tiếp theo

Đ.T.
.
.
.